Không để du khách ngủ gục

20/10/2016 10:00 GMT+7

Mặc dù là trung tâm thương mại, du lịch, nơi tập trung đông đảo nghệ sĩ và nhiều loại hình văn hóa dân tộc đặc sắc nhưng theo khảo sát, cứ 100 khách vào TP.HCM thì chỉ có 4 người đi xem biểu diễn nghệ thuật.

Làm thế nào để tháo gỡ khó khăn, phát triển các chương trình biểu diễn nghệ thuật, nâng cao sức hấp dẫn của TP.HCM đối với du khách đã được bàn thảo sôi nổi tại tọa đàm Giải pháp phát triển các chương trình nghệ thuật phục vụ khách du lịch, do Sở Du lịch và Sở VH-TT TP.HCM tổ chức ngày 19.10.
Mặc dù là trung tâm thương mại, du lịch đứng đầu cả nước, nơi tập trung đông đảo nghệ sĩ và nhiều loại hình văn hóa dân tộc đặc sắc nhưng theo khảo sát, cứ 100 khách vào TP.HCM thì chỉ có 4 người đi xem biểu diễn nghệ thuật. TP chưa có một trung tâm biểu diễn chuyên nghiệp, việc thiếu không gian phục vụ đã góp phần khiến cho du khách “một đi không trở lại”.
À ố show được nhiều công ty lữ hành quan tâm nhưng chưa có nhiều cơ hội quảng bá du khách - Ảnh: L.E
À ố show được nhiều công ty lữ hành quan tâm nhưng chưa có nhiều cơ hội quảng bá du khách Ảnh: L.E
Có hợp đồng vẫn không thể diễn


Vừa rồi đoàn Nhật Bản thông qua trung tâm ký hợp đồng trước một năm để trình diễn một vở opera, đột ngột khi đoàn chuẩn bị sang thì TP lấy nhà hát phục vụ chương trình khác, làm họ... khóc luôn. 40 năm nay mà TP.HCM vẫn chưa có nhà hát phục vụ khách du lịch nào cho ra hồn

Ông Hữu Luân,
Giám đốc Trung tâm tổ chức
biểu diễn và điện ảnh TP.HCM

Ông Võ Thành Trung, Chủ tịch Square Group - đơn vị với chương trình À ố show đã lưu diễn nhiều nơi trên thế giới, được gần 20 công ty lữ hành ký hợp đồng đưa khách đến xem chương trình, than thở: “Chúng tôi đầu tư hoành tráng, một chương trình tới 20 tỉ đồng, nhưng khung giá vé bán cho khách du lịch quá thấp nên không đủ bù chi. Trong khi chương trình phải tự nuôi sống, tập luyện, làm mới để sau 3 tháng khách quay lại thấy lạ họ mới chịu ngồi xem và quảng bá”. Ngoài ra, ông Trung còn bày tỏ gặp khó khăn rất lớn do không chủ động được mặt bằng biểu diễn.
Về địa điểm tổ chức biểu diễn, Giám đốc Trung tâm tổ chức biểu diễn và điện ảnh TP.HCM Hữu Luân cũng bức xúc: “Đối với vị trí trung tâm là Nhà hát Thành phố, UBND TP.HCM và Sở Du lịch phải có kế hoạch báo trước để các đơn vị tổ chức không bị động. Đã ký hợp đồng thì không thể nuốt lời được. Vừa rồi đoàn Nhật Bản thông qua trung tâm ký hợp đồng trước một năm để trình diễn một vở opera, đột ngột khi đoàn chuẩn bị sang thì TP lấy nhà hát phục vụ chương trình khác, làm họ... khóc luôn. 40 năm nay mà TP.HCM vẫn chưa có nhà hát phục vụ khách du lịch nào cho ra hồn”.
Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của chương trình múa rối nước Rồng Vàng (đã ký được khá nhiều hợp đồng biểu diễn) cho rằng: “Làm nghề rối nước hơn 33 năm, 20 năm gắn bó với kịch nói nên tôi dám khẳng định biểu diễn nghệ thuật cho khách du lịch xem dễ làm lắm. Địa đạo Củ Chi, Bảo tàng Mỹ thuật... nếu kết hợp thêm ẩm thực thì đều có thể tạo ra sản phẩm hấp dẫn”. Theo ông Tôn Thất Cần, Phó trưởng phòng Nghệ thuật (Sở VH-TT TP.HCM): “Sắp tới hai sở VH-TT và Du lịch phải cùng ngồi lại đề xuất TP sớm xây dựng nhà hát giao hưởng vũ kịch, rạp xiếc đa năng ở Phú Thọ để có chỗ biểu diễn hiện đại, đồng thời xin TP đầu tư cho những ý tưởng hay, các chương trình nghệ thuật bài bản phục vụ du khách”.
Đơn điệu
“Tôi là người mua nghệ thuật để bán cho khách du lịch nên tôi có quyền chọn lựa và đòi hỏi”, ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty du lịch Tân Hồng, thẳng thắn.
Ông cho biết: “Nhiều đơn vị đưa mô hình biểu diễn văn nghệ dân tộc đa phần là xem trước khi ăn tối hoặc trong khi ăn, tất cả đều chết yểu do không phù hợp thời gian và sở thích du khách. Múa apsara TP.HCM đơn điệu chỉ làm cho khách buồn ngủ, xem đàn bầu thì chỉ có hai người đàn, tôi từng chứng kiến có khách... ngủ luôn tại chỗ. Đối với các loại nhạc cụ dân tộc, du khách nghe xong thích được sờ thử, tìm hiểu thì mình không tạo điều kiện”.
Hiện TP.HCM có 8 đơn vị công lập và một số đơn vị tư nhân biểu diễn thường xuyên phục vụ khách du lịch với đủ các thể loại: tuồng, múa, cải lương, múa rối nước, lân sư rồng, xiếc... rất đa dạng nhưng do địa điểm thuê mướn thay đổi thường xuyên, xa trung tâm nên khó thu hút khán giả.
Các ý kiến tại tọa đàm đều khẳng định văn hóa dân tộc VN phong phú, có bản sắc riêng nhưng khi đưa vào khai thác và phát triển du lịch thì lại không đạt hiệu quả. Ông Nguyễn Ngọc Toản (Công ty Images Travel) đề nghị TP.HCM nên có sản phẩm đặc sắc về nghệ thuật phương Nam: đờn ca tài tử, lân sư rồng, Chăm, Khmer, cồng chiêng Tây nguyên... đồng thời xây dựng một chương trình lịch sử văn hóa Việt hoành tráng cùng nhiều tiết mục hài hước, vui nhộn... mới thu hút du khách đến xem.
Ông Hứa Thanh Bình, Phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, kể: “Tôi sang Hàn Quốc, thấy người ta tổ chức biểu diễn nghệ thuật trên đường phố, có tranh, shop thời trang... thu hút du khách lắm. Đồng nghiệp ở Malaysia tiết lộ lĩnh vực mỹ thuật họ đang hái ra tiền, trong khi mỹ thuật VN so với mặt bằng châu Á thì không thấp nhưng giá trị kinh tế chưa cao. Tôi luôn ước ao có một tour bảo tàng liên kết áo dài Sĩ Hoàng, phố đồ cổ Lê Công Kiều với đêm hòa nhạc vào dịp cuối tuần cho khách nhưng rồi ước mơ cứ... cháy mãi mà không thành hiện thực”.
Ông Lã Quốc Khánh, Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, nhận xét: Lâu nay việc tổ chức của chúng ta chưa chuyên nghiệp làm hạn chế sự sáng tạo nghệ thuật và duy trì các hoạt động phát triển du lịch, chưa kéo dài được thời gian lưu trú của du khách.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.