Đổi mới việc tổ chức khai giảng có lẽ là đề tài được quan tâm nhiều nhất trước thềm năm học 2015 - 2016. Thời gian tổ chức lễ khai giảng ở tất cả các trường của Hà Nội được yêu cầu chỉ gói gọn trong vòng 1 giờ đồng hồ để tránh các bài phát biểu dài dòng, các nghi thức rườm rà, gây mệt mỏi cho học sinh.
Nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội cho biết sẽ đổi mới khai giảng để học sinh không còn mệt mỏi, nhàm chán- Ảnh: Ngọc Thắng
|
Theo đó, tất cả các trường trên địa bàn Hà Nội sẽ đồng loạt tổ chức lễ khai giảng từ 7 giờ 30 - 8 giờ 30, ngày 5.9. Chủ trương này được các nhà trường lẫn phụ huynh hưởng ứng.
Một phụ huynh có con học Trường tiểu học Tây Sơn cho biết: “Gần đến ngày khai trường nhưng năm nay con tôi vẫn được tận hưởng những ngày nghỉ hè cuối cùng, thay vì ngày nào cũng đi tập khai giảng như năm trước. Vừa mệt mỏi cho các cháu, vừa vất vả cho phụ huynh vì phải đưa đón trong giờ hành chính”.
Ủng hộ chủ trương khai giảng gọn nhẹ, bà Đinh Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Đống Đa cho biết, nhà trường đã lên kế hoạch khai giảng theo đúng yêu cầu của Bộ và Sở GD-ĐT. Năm nay, trường đón hơn 600 học sinh lớp 6, thay vì lễ diễu hành của 12 lớp là màn thả bóng bay trong sự cổ vũ của toàn trường dành riêng cho khối lớp 6.
Bà Phạm Thị Yến, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thành Công B cũng cho rằng, quyết định đổi mới của Bộ GD-ĐT là cơ sở để các trường thực hiện một lễ khai giảng thiết thực, ý nghĩa, không gây nhàm chán cho học sinh.
“Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến các em học sinh lớp 1. Để các con cảm thấy đây là ngày hội và được đến trường là niềm vui, nhà trường đã có kế hoạch chuẩn bị một món quà nhỏ cho mỗi học sinh”, bà Yến thông tin.
Một số hiệu trưởng cũng cho hay bài phát biểu khai giảng năm học này thay vì đưa quá nhiều báo cáo thành tích của nhà trường, sẽ là những lời động viên, chào mừng đầy tinh thần vui vẻ, nhẹ nhàng để học sinh hào hứng bước vào năm học mới.
“Bài phát biểu của tôi sẽ không quá 5 phút và sẽ chỉ nói những điều mà các con từ 3-5 tuổi thích nghe và hiểu được”, Hiệu trưởng một trường mầm non ở Q.Hoàn Kiếm chia sẻ.
Việc khai giảng ngắn gọn là cần thiết nhưng điều quan trọng nhất là việc tổ chức phải thực sự vì học sinh và học sinh thấy muốn tham gia vào hoạt động ấy.
Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức chia sẻ, một tiếng là dành cho phần lễ, còn phần hội thì nên tùy theo điều kiện, nhu cầu của mỗi trường, nên để các em học sinh tham gia ý kiến, tổ chức các lễ hội, các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, giao lưu giữa học sinh với nhau.
“Các em có rất nhiều ý tưởng. Nếu tạo điều kiện để các em thực hiện được thì ngày khai giảng sẽ thực sự có ấn tượng và ý nghĩa với học sinh”, ông Bình nói.
Bình luận (0)