Nếu dựa trên tổng chi phí đầu tư để tổ chức 1 kỳ ASIAD (Asian Games, hay Đại hội thể thao châu Á), thì việc thu hồi vốn hoặc kiếm lợi nhuận dựa trên tiền bán bản quyền truyền hình, vé xem, quảng cáo, tiếp thị… gần như là không thể.
Từ lỗ đến lỗ
Rất nhiều kỳ ASIAD trước đây, gần nhất là Quảng Châu 2010, đều lỗ đậm do chi phí đầu tư phát sinh gấp nhiều lần so với dự kiến ban đầu. ASIAD Quảng Châu ban đầu dự kiến chỉ tiêu tốn không quá 2 tỉ nhân dân tệ (317,8 triệu USD) như hứa hẹn của các nhà tổ chức, nhưng thực tế tổng chi phí cho kỳ ASIAD này và cả kỳ Asian Para Games cũng ở Quảng Châu khoảng 122,6 tỉ nhân dân tệ (17 tỉ USD), bao gồm 109 tỉ nhân dân tệ dùng cho xây dựng cơ sở hạ tầng; 6,3 tỉ xây dựng sân vận động và nhà thi đấu; và số còn lại khoảng 7,3 tỉ chi vào các hoạt động của kỳ Thế vận hội. Hiện tổng chi phí cho kỳ ASIAD này vẫn chưa được quyết toán, và phải chờ đến đầu năm 2013 mới được công bố. Nhưng chắc chắn, doanh thu sẽ không thể bù đắp vào chi phí đã đầu tư.
|
Trước đó, các kỳ ASIAD khác như Busan 2002, Bangkok 1998… đều báo lỗ so với tổng số vốn bỏ ra đầu tư. Busan 2002 ở Hàn Quốc đã chi tới 3.140 tỉ won (2,9 tỉ USD), bao gồm xây 12 sân vận động; nâng cấp và cải thiện các cơ sở hạ tầng thể thao vốn có; xây các làng vận động viên. Bên cạnh đó còn khoản tiền 1.470 tỉ won (1,35 tỉ USD) dành cho việc nâng cấp hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, doanh thu chỉ đạt 243,4 tỉ won (223,2 triệu USD). Trong đó, tiền thương mại chiếm 36% tổng doanh thu, đứng đầu là quảng cáo, rồi đến bán vé và tiếp thị. Bangkok 1998 ở Thái Lan cũng vậy, dù trước đó nước này đã có kinh nghiệm tổ chức các kỳ ASIAD vào các năm 1966, 1970 và 1978. Tổng chi phí đầu tư cho ASIAD 1998 của Thái Lan lên đến 19,3 tỉ baht (627,7 triệu USD), nhưng lợi nhuận thu lại chỉ hơn 2,73 tỉ baht, tương đương 88,8 triệu USD.
Trong lịch sử ASIAD cũng từng xảy ra việc một số nước chủ nhà dù giành quyền đăng cai, nhưng giờ chót lấy lý do không đủ kinh phí tổ chức, hoặc e ngại chiến tranh xảy ra phải nhượng quyền lại cho nước khác, như ASIAD 1970 tại Hàn Quốc đã hủy bỏ kế hoạch đăng cai. Rồi kỳ ASIAD 1978, ban đầu Singapore giành quyền đăng cai, nhưng vì lý do kinh tế đã chuyển giao cho Pakistan, nhưng Pakistan cũng vì lý do kinh tế và xung đột với 2 nước láng giềng Bangladesh và Ấn Độ, nên giờ chót cũng hủy kế hoạch tổ chức ASIAD. Cũng may là 2 kỳ ASIAD này, Thái Lan đều giải cứu khi đứng ra nhận tổ chức thay.
|
Trong khi đó, kỳ ASIAD sắp tới vào năm 2014 tại thành phố Incheon (Hàn Quốc), chi phí đầu tư tổ chức cũng đã tăng 110% so với dự toán ban đầu. Ban đầu, ước lượng chi phí đầu tư vào khoảng 1,62 tỉ USD. Trong đó, nguồn ngân sách từ chính phủ Hàn Quốc ủng hộ 19%, số còn lại 78,9% từ nguồn ngân sách của thành phố đăng cai. Chi phí này bao gồm sử dụng xây dựng các sân thi đấu (riêng sân chính có chi phí gần 400 triệu USD) và các cơ sở hạ tầng, cũng như hệ thống giao thông. Tuy nhiên, các báo cáo tài chính đến tháng 4.2012 cho thấy thành phố Incheon đang chịu áp lực lớn về tài chính do khoản nợ công gia tăng, cũng như chi phí phát sinh tăng gấp nhiều lần so với dự tính ban đầu. Do đó, bắt buộc sẽ phải cắt giảm nhiều hạng mục để tiết kiệm chi phí.
Kinh phí chắc chắn phát sinh
Các quốc gia tổ chức ASIAD, do bảo đảm uy tín với Ủy ban Olympic châu Á (OCA) cũng như vị thế của mình với bè bạn trong khu vực, nên kinh phí bị đội lên là chuyện bình thường. Thế nên ASIAD 18 mà VN lần đầu đăng cai cũng sẽ không nằm ngoài quy luật này, chắc chắn không tránh khỏi phát sinh. Còn nhớ SEA Games 22 năm 2003, dù quy mô chỉ trong khu vực Đông Nam Á nhưng theo tiết lộ của những quan chức có trách nhiệm thời đó, số tiền đã bị đội lên hơn gấp rưỡi so với dự toán ban đầu, chủ yếu là do VN xây dựng rất nhiều công trình mới, như sân Mỹ Đình, Nhà thi đấu Phú Thọ (TP.HCM)...
Với con số 150 triệu USD mà bản dự toán của Ban tổ chức ASIAD 18 đưa ra, thật ra chỉ là phương án tối thiểu và cũng “né” rất nhiều những nguồn kinh phí khác mà chúng ta cũng sẽ phải bỏ ra. Ví dụ việc xây làng ASIAD tại Xuân Trạch, Đông Anh hay sân xe đạp lòng chảo tại Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình, tiếng là xã hội hóa hay liên doanh với Hàn Quốc, nhưng thực tế chúng ta cũng bỏ ra quỹ đất nhất định và một số nguồn lợi ưu đãi khác cho nhà đầu tư, chắc chắn sẽ vượt hơn rất nhiều so với con số 2.100 tỉ đồng (khoảng 100 triệu USD) cho đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa công trình phục vụ thi đấu.
Ngay như việc sử dụng gần một nửa trong con số 150 triệu USD cho chi phí tổ chức ASIAD (tức hơn 55 triệu USD, khoảng hơn 1.200 tỉ đồng), thực tế cũng sẽ không đủ. Dĩ nhiên chúng ta không thể bàn chuyện 7 năm sau từ bây giờ vì còn phụ thuộc vào chuyện tăng trưởng hay không của nền kinh tế, nhưng nếu con số này giữ nguyên thì mức bỏ ra để đăng cai một giải tầm cỡ châu lục như vậy là quá đáng mơ ước và rất dễ thuyết phục nhiều người trong điều kiện nền kinh tế còn khó khăn. Nhưng không ít quan chức thể thao VN từng tham gia Ban Tổ chức SEA Games 22 và có nhiều kinh nghiệm điều hành các kỳ đại hội cho rằng, sẽ là nhiệm vụ bất khả thi khi chúng ta phấn đấu giữ con số đó.
Quang Tuyến - Giang Lao
>> Chính phủ VN cam kết chuẩn bị chu đáo đăng cai ASIAD 18
>> Việt Nam tích cực vận động đăng cai ASIAD 2019
>> Lê Huỳnh Châu gặp ĐKVĐ ASIAD
>> Trình Chính phủ Đề án vận động đăng cai Asiad 18
>> Tổ chức Asiad là nâng cao vị thế của VN
Bình luận (0)