Không để ‘một rò rỉ nhỏ nhấn chìm con tàu lớn’

17/04/2018 08:31 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý như vậy tại hội nghị toàn quốc về logistics hôm qua.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra rằng gánh nặng chi phí đang là một rào cản lớn nhất với doanh nghiệp VN hiện nay. Ngược lại, nếu làm tốt logistics sẽ giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh và lợi nhuận.
Phát biểu khai mạc tại hội nghị toàn quốc về logistics, các giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông sáng 16.4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý chi phí logistics ở VN còn cao, thậm chí là rất cao. Logistics đóng vai trò to lớn với nền kinh tế, trị giá hàng tỉ USD, là một trong 12 nhóm ngành được cộng đồng ASEAN ưu tiên hỗ trợ phát triển, nhưng nếu “ta không làm thì các nước bạn sẽ làm, trong khi chúng ta chưa có doanh nghiệp (DN) mạnh làm logistics”.
Dẫn lại câu nói của một trong những người thành lập nước Mỹ, Benjamin Franklin: “Hãy coi chừng các khoản chi phí nhỏ; một rò rỉ nhỏ cũng sẽ nhấn chìm một con tàu lớn”, Thủ tướng đặt vấn đề: Chi phí logistics chiếm tỷ trọng lớn, liệu có nhấn con tàu kinh doanh, cạnh tranh xuống thấp?
Rào cản lớn nhất
“Phải nhận thức rõ gánh nặng chi phí đang là rào cản lớn nhất với các DN VN hiện nay, trong đó chi phí logistics cao đang là một trong những rào cản lớn ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế VN. Bên cạnh đó, việc đầu tư chưa hợp lý giữa các phương thức vận tải, kết nối kém đã góp phần làm tăng chi phí vận tải và logistics”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Phải nhận thức rõ gánh nặng chi phí đang là rào cản lớn nhất với các DN VN hiện nay, trong đó chi phí logistics cao đang là một trong những rào cản lớn ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế VN. Bên cạnh đó, việc đầu tư chưa hợp lý giữa các phương thức vận tải, kết nối kém đã góp phần làm tăng chi phí vận tải và logistics
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), chi phí logistics của VN tương đương khoảng 20,9 % GDP (trong đó chi phí vận tải chiếm tới 60%), gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển. Vì vậy, theo Thủ tướng, cùng với những nỗ lực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Chính phủ chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tham gia các hiệp định thương mại lớn trên thế giới và khu vực, thì việc cắt giảm chi phí cho DN, đặc biệt là giảm chi phí logistics càng cần được quan tâm đúng mức. Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics VN đến năm 2025, trong đó “bàn tay nhà nước cần xắn vào, thông suốt trong các cấp”.
Theo Thủ tướng, để nâng cao hiệu quả logistics cần làm rõ 4 vấn đề chính: thể chế chính sách cần sửa đổi, bổ sung điều gì? Thứ hai về hạ tầng và kết nối, hiện kết nối giao thông với cảng, nhà ga, sân bay, cảng cạn... chưa đồng bộ, làm sao để các trung tâm logistics, cảng trung chuyển kết nối hàng hóa như bến cảng, sân bay phát huy được tiềm năng, lợi thế.
Thứ ba, yếu kém trong kết nối các loại hình vận tải đang là tồn tại lớn, vận tải đường thủy, đường sắt chi phí thấp nhưng thị phần rất thấp trong khi vận tải đường bộ chiếm gần 80%. Theo tính toán chi phí vận chuyển container loại 40 feet bằng đường bộ từ Hà Nội vào TP.HCM (không tính chi phí xếp dỡ hai đầu) khoảng 40 triệu đồng, cao hơn 9,7 lần so với vận chuyển đường biển, 2,7 lần so với đường sắt.
Thứ tư, tính kết nối, chia sẻ cộng đồng của một số nhóm DN cùng hoạt động trong một tuyến, ngành hàng chưa hợp lý như tình trạng vận tải một chiều... Vì vậy, cần nguồn nhân lực để phát triển logistics. “Chúng ta lo sản xuất trái cây, gạo, thiết bị máy móc mà những dịch vụ chiếm tỷ lệ cao như này không giảm xuống thì nền kinh tế không thể cạnh tranh được”, Thủ tướng nêu rõ.
Cao do phí BOT, nhiên liệu, phí “trà nước”
Theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logistics (VLA), chi phí logistics VN cao ở cả 5 mắt xích: chi phí vận tải hàng hóa bằng đường bộ quá cao, phụ phí tại cảng biển mà chủ tàu container nước ngoài đang thu chủ hàng VN, hạn chế về kết cấu hạ tầng cảng biển và phương tiện, thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng cảng biển tại Hải Phòng và phí kiểm tra chuyên ngành.
Đặc biệt, Chủ tịch VLA nêu trong lĩnh vực vận tải đường bộ, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 30 - 35%, phí BOT 15 - 30% (phí BOT bắc - nam xấp xỉ 15%, BOT từ Hải Phòng - Hà Nội xấp xỉ 30%), chi phí “trà nước” xấp xỉ 5%, trong khi lại mất cân bằng vận tải 2 chiều, xe chạy rỗng quá nhiều. Chưa kể, mỗi năm DN phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công cho việc kiểm tra chuyên ngành, tương đương với chi phí 14.300 tỉ đồng. Hàng nghìn mặt hàng phải qua kiểm tra chuyên ngành, tỷ lệ hàng hóa làm thủ tục kiểm tra từ 2 - 3 lần chiếm 58%.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu ảnh: Ngọc Thắng
Để giảm chi phí logistics, các hiệp hội như VLA, hiệp hội chủ tàu, hiệp hội đại lý và môi giới hàng hải... đều khuyến nghị cần đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối giữa các phương thức vận tải. Trong bối cảnh đường bộ đang quá tải, cần đẩy mạnh phát triển vận tải đường thủy, cũng như giảm tình trạng xe chạy rỗng một chiều bằng sàn giao dịch vận tải đủ mạnh để kết nối giữa chủ hàng và chủ xe.
Nhìn từ góc độ chính sách, bà Trần Thị Lan Anh, Phó tổng thư ký Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI), cho rằng trong lĩnh vực logistics còn tồn tại nhiều điều kiện kinh doanh bất hợp lý, can thiệp sâu vào quyền tự chủ kinh doanh của DN và có tính chất áp đặt, cần bãi bỏ để thị trường tự điều chỉnh.
Thừa nhận hệ thống hạ tầng giao thông VN còn chưa đồng bộ, kết nối hạn chế, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho hay hạ tầng vận tải đường bộ dù được đầu tư nhiều nhất nhưng vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển lưu lượng vận tải. Trong khi đó, đường sắt công nghệ lạc hậu, ít cảng hiện đại đạt chuẩn quốc tế, đường thủy nội địa đầu tư rất ít, hàng không tham gia vận chuyển hàng hóa còn rất yếu do hệ thống kho bãi nhỏ, chưa có tuyến chuyên dụng vận tải hàng hóa.
Phải giảm chi phí logistics
Tại hội nghị, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cam kết ngay trong tháng 5, Bộ GTVT sẽ cắt giảm 372 thủ tục hành chính, tương ứng hơn 61%, để tạo thuận lợi cho DN nhằm giảm chi phí logistics.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phải chấm dứt tình trạng vô cảm, vô lý, vô trách nhiệm và vô thời hạn trong tháo gỡ vướng mắc thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh. Logistics VN hiện đứng 64/160 quốc gia là tiến bộ, nhưng chi phí còn quá cao. “Không ai ngờ VN xuất khẩu 45 tỉ USD điện thoại di động, gần 40 tỉ USD nông sản, nâng kim ngạch xuất nhập khẩu lên 250 tỉ USD, đây là dấu mốc lịch sử của VN. Nhưng tại sao không phải là 500 tỉ USD và cao hơn nữa. Sao chúng ta không khát vọng điều đó? Tân Cảng - Cái Mép cũng nêu vấn đề tại sao VN không phải đất nước trung chuyển của khu vực và quốc tế?”, Thủ tướng đặt vấn đề.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh mục tiêu phát triển logistics đến năm 2025 đạt tỷ trọng 8 - 10% GDP, tốc độ tăng trưởng 15 - 20%, chi phí logistics giảm xuống 16 - 20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics đạt thứ 50 trở lên... Theo đó, Thủ tướng cũng giao Bộ GTVT 10 nhiệm vụ, Bộ Công thương 7 nhiệm vụ, Bộ KH-ĐT 3 nhiệm vụ... Các địa phương cần dành quỹ đất thích hợp xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa, dịch vụ hậu cảng... tạo mạng lưới kết cấu hạ tầng logistics hiện đại. DN cần thay đổi điều kiện giao hàng “mua CIF, bán FOB” (mua tại cảng đến và bán tại cảng đi), nâng cao ý thức DN chủ hàng, tạo cơ sở cho DN dịch vụ logistics VN tham gia vào nhiều công đoạn trong chuỗi cung ứng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.