Không dễ thanh tra môi trường

14/10/2017 08:14 GMT+7

Lực lượng mỏng, một người cùng một thời điểm có mặt ở 2 đoàn thanh tra tại nhiều địa phương khác nhau khiến dư luận lo ngại công tác thanh tra môi trường không đảm bảo chất lượng, dễ phát sinh tiêu cực.

Bất nhất số doanh nghiệp thanh tra
Kế hoạch năm 2017 của Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) thanh tra 758 doanh nghiệp (DN) có lưu lượng nước thải từ 200 m3/ngày đêm trở lên, bình quân mỗi ngày Bộ TN-MT phải thanh tra gần 3 DN. Tổng kinh phí chi cho hoạt động này là hơn 43 tỉ đồng.
Trước thực trạng nhiều DN gây ô nhiễm môi trường, nhiều ý kiến cho rằng thời gian thanh tra quá ngắn như vậy chỉ “cưỡi ngựa xem hoa” chứ không đáp ứng mục đích, yêu cầu như đúng ý nghĩa của việc này. Liên quan đến vấn đề này, ngày 12.10, Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) trả lời báo chí chính thức: Con số 758 DN là trên kế hoạch được lập từ năm 2016, đã được điều chỉnh xuống 472 đơn vị. Tổng cục Môi trường đã huy động sự tham gia tổng lực của các đơn vị trực thuộc, thành lập 13 đoàn thanh tra.
Nhưng chỉ trước đó một ngày (ngày 11.10), cũng trả lời báo chí, ông Hoàng Văn Vy, Phó cục trưởng phụ trách Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường (Tổng cục Môi trường), cho biết tổng cục này dự kiến thanh tra 758 DN ở 31 địa phương trên cả nước, rồi con số trên giảm xuống còn 600 vì có hơn 100 DN phá sản hoặc quá nhỏ hoặc không tìm được địa chỉ. Để thực hiện kế hoạch Tổng cục Môi trường đã thành lập 18 đoàn thanh tra và giao cho 3 đơn vị thực hiện, gồm Cục Kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường, Cục Môi trường miền Nam, Cục Môi trường miền Trung và Tây nguyên.
Không chỉ lệch nhau lớn về số DN thanh tra, ông Vy cũng không hề nhắc đến việc “điều chỉnh kế hoạch”. Theo tìm hiểu của Thanh Niên ở nhiều đơn vị liên quan và các sở TN-MT cũng không nhận được kế hoạch điều chỉnh này. Chưa nói đến chất lượng thanh tra, nhưng có một thực tế là cán bộ TN-MT đang phải “phân thân” đi thanh tra.
Theo TS Tô Văn Trường, mục tiêu kế hoạch thanh kiểm tra năm 2017 tập trung vào các cơ sở xả thải từ 200 m3/ngày trở lên sẽ tập trung thanh kiểm tra hệ thống xử lý, quy trình vận hành và lấy mẫu nước thải của các cơ sở này có đảm bảo quy chuẩn môi trường hay không. Qua đó chỉ rõ nếu thấy có hiện tượng bất thường, tìm nguyên nhân và kiến nghị giải pháp khắc phục chứ không phải “bới bèo ra bọ”.
Công khai kết quả thanh tra
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: “Chỉ khi DN có dấu hiệu vi phạm thì mới phải thanh tra. Số lượng DN bị thanh tra lớn như thế chứng tỏ hiện tượng vi phạm quá nhiều. Nhưng thực chất kết quả đưa ra có bao nhiêu DN vi phạm? Vi phạm cái gì? Xử lý như thế nào? Cần nêu công khai kết quả trước dư luận”.
Cũng theo ông Long, chủ trương chỉ thanh tra mỗi DN 1 lần mỗi năm của Thủ tướng đưa ra nhằm giảm khó khăn cho DN, nhưng có rất nhiều lĩnh vực cần thanh tra trong khi các cơ quan lại chưa có sự phối hợp chặt chẽ nên vừa gây khó khăn cho DN, vừa tăng chi phí, tăng tiêu cực. Vì vậy, cần có một cơ quan đứng ra tổng hợp chung, các bộ, ban, ngành cần phối hợp chặt chẽ với nhau, chỉ thanh tra những vấn đề có tính cấp thiết, không thanh tra một cách tràn lan.
GS-TS luật Nguyễn Vân Nam cho rằng mục đích thanh tra là để đảm bảo cho các DN thực hiện đúng quy định pháp luật. Vậy phải làm sao để DN luôn luôn quan niệm có thể bị thanh tra, kiểm tra bất cứ lúc nào. Thanh tra mà công bố trước như hiện nay thì DN đã có thời gian chuẩn bị đối phó. Thanh tra phải ngẫu nhiên và đột xuất mới thực sự đạt được kết quả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.