Không để tình trạng ngăn sông cấm chợ

18/02/2021 08:14 GMT+7

Theo bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh tinh thần là vừa chống dịch nhưng vẫn phải đảm bảo cho sản xuất..., không để tình trạng ngăn sông cấm chợ.

Trao đổi với Thanh Niên chiều 17.2 về việc UBND tỉnh Hải Dương vừa có văn bản gửi Bộ Công thương, UBND tỉnh Quảng Ninh, TP.Hải Phòng đề nghị tạo điều kiện cho thông thương hàng hóa, bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cho hay thực ra tại cuộc họp với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ, Bộ cũng đã có ý kiến về vấn đề này và đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể hơn về cách thức phòng chống dịch đối với người và phương tiện vận chuyển hàng hóa.
“Tại phiên họp ngay trước tết do Thủ tướng chủ trì, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cũng đã báo cáo tình hình này để Thủ tướng có chỉ đạo chung. Bộ Y tế sau đó đã có Văn bản 898 ngày 7.2.2021 hướng dẫn phòng chống dịch Covid-19 trong vận chuyển hàng hóa, cụ thể như ghi lại hành trình vận chuyển, danh sách người tiếp xúc, đeo khẩu trang trong suốt hành trình, thường xuyên sát khuẩn bằng tay, khử khuẩn buồng lái...”, bà Nga nói.

Xác định được nguồn lây của chùm ca bệnh Covid-19 trong gia đình ở Hải Dương

Theo bà Nga, Thủ tướng đã nhiều lần nhấn mạnh tinh thần là vừa chống dịch nhưng vẫn phải đảm bảo cho sản xuất, lưu thông hàng hóa, nhất là cho nguyên liệu sản xuất và hàng hóa thiết yếu, không để tình trạng ngăn sông cấm chợ. Do đó, các địa phương cần linh hoạt, phối hợp với nhau để có cách làm sáng tạo nhằm đảm bảo chống dịch mà vẫn phát triển được kinh tế xã hội.
“Đã có những cách làm rất sáng tạo từ địa phương, như Lạng Sơn có đội tình nguyện viên chỉ sống trong vùng trung chuyển hàng hóa, không về nhà khi tình hình dịch ở Trung Quốc lên đến đỉnh hồi tháng 3, tháng 4 năm ngoái. Hay kinh nghiệm của Huế và Đà Nẵng hồi tháng 7, hoặc của Tây Ninh ở cửa khẩu với Campuchia, đó là có bãi đất riêng cho hàng hóa tập kết, ở đó hàng hóa và buồng lái được phun khử khuẩn trước khi qua nước bạn, tỉnh bạn; ở đó lái xe đổi hàng mà không cần giáp mặt hay tiếp xúc với nhau...”, bà Nga dẫn chứng, và nhấn mạnh đó là những cách làm mà các địa phương hoàn toàn có thể áp dụng với hàng hóa đi từ Hải Dương hiện nay.

Sáng 18.2: Không có ca mắc Covid-19, dịch tại Hải Dương vẫn còn phức tạp

Trước khi Hải Dương có văn bản kêu cứu lên Bộ Công thương, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1 diễn ra chiều 2.2, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đã thông tin rằng lãnh đạo tỉnh Hải Dương nhắn tin trực tiếp phản ánh một số địa phương lân cận đã không cho xe chở nông sản từ Hải Dương đi qua địa bàn các địa phương này và đề nghị Bộ NN-PTNT có ý kiến để giúp nông dân Hải Dương tiêu thụ sản phẩm.
Đáp lại lời kêu cứu này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng đó là “các biện pháp thái quá” và nhắc lại thông điệp của Thủ tướng về việc cần có biện pháp chống dịch hợp lý để việc sản xuất, lưu thông hàng hóa vẫn diễn ra, nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế. Ngay sau đó, ngày 5.2, ông Dũng cũng đã ký thông báo ý kiến của Thủ tướng gửi Bộ Y tế và UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư trước tình trạng một số địa phương “ngăn sông cấm chợ”.
Thông báo yêu cầu “hạn chế tối đa các tác động bất lợi đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân và sản xuất kinh doanh, nhất là hoạt động vận chuyển hàng hóa”, “có biện pháp cụ thể tạo thuận lợi cho nhân dân tiêu thụ hàng hóa, nông sản, nhất là vùng có dịch”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.