Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ:

'Không để ý kiến góp ý luật Đất đai nào không được giải trình'

09/03/2023 21:10 GMT+7

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh quan điểm cầu thị, tôn trọng ý kiến góp ý của nhân dân đối với luật Đất đai, không để bất cứ ý kiến nào không được tổng hợp, giải trình.

T.Ư Đảng đã kết luận thì "không bàn lại"

Chiều 9.3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì buổi làm việc để cho ý kiến bước đầu về tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội và những vấn đề nổi lên trong quá trình lấy ý kiến nhân dân về dự án luật Đất đai sửa đổi.

'Không để ý kiến góp ý luật Đất đai nào không được giải trình' - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc

QUOCHOI.VN

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, qua theo dõi việc góp ý xây dựng luật cho thấy nhiều ý kiến, kiến nghị cụ thể về giải thích từ ngữ. Do đó, các cơ quan cần có mục riêng về nội dung này để làm rõ các khái niệm, thống nhất cách hiểu, cách làm.

Bên cạnh đó là các góp ý về quy định liên quan đến vai trò của Nhà nước, nhất là minh định giữa vai trò là đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, thực hiện chức năng quản lý nhà nước và là một chủ thể sử dụng đất, hay nhóm vấn đề về quy hoạch, thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch.

Cùng với đó là vấn đề thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; tài chính đất đai, bảng giá đất, vấn đề giá đất sát với giá thị trường. Hay việc bảo đảm tương thích giữa các luật, hạn chế tối đa việc giao Chính phủ quy định chi tiết…

'Không để ý kiến góp ý luật Đất đai nào không được giải trình' - Ảnh 2.

Các đại biểu trao đổi bên lề cuộc làm việc

QUOCHOI.VN

Nhấn mạnh đây là những nội dung nhận được nhiều ý kiến góp ý, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan cần có sự phân định các nhóm vấn đề để có phương án tiếp thu, giải trình.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý rà soát đối với những nội dung, những vấn đề đã có kết luận của T.Ư Đảng thì "không bàn lại, tránh làm phức tạp thêm vấn đề".

Tôn trọng mọi ý kiến góp ý của nhân dân

Tiếp thu các ý kiến tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, các nội dung được Chủ tịch Quốc hội đề cập là những nội dung nhận được nhiều ý kiến góp ý. Trong đó, có những vấn đề khó thể chế hoặc khó khả thi, hoặc còn nhiều ý kiến khác nhau. Do đó, trong thời gian tới, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ cần tiếp tục thảo luận, làm rõ.

'Không để ý kiến góp ý luật Đất đai nào không được giải trình' - Ảnh 3.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp thu ý kiến tại buổi làm việc

QUOCHOI.VN

Nhấn mạnh rằng luật Đất đai sửa đổi là sản phẩm chung không phân biệt cơ quan Quốc hội, cơ quan của Chính phủ, ông Hà cho rằng, điều quan trọng là định hướng cách xử lý. Các cơ quan cần đưa ra những góp ý cụ thể, cùng nhau trao đổi, phản biện để đưa ra được phương án tối ưu.

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ qua thảo luận nhận thấy công tác lấy ý kiến nhân dân được triển khai tích cực khắp trong cả nước, thể hiện sự quan tâm của các cấp, các ngành, các giới và toàn dân.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, thời gian từ nay đến khi kết thúc đợt lấy ý kiến nhân dân (15.3) và các cơ quan hoàn thiện báo cáo tổng hợp là không còn nhiều, đòi hỏi phải nỗ lực khẩn trương hơn nữa. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, tiến độ quan trọng nhưng chất lượng còn quan trọng hơn.

'Không để ý kiến góp ý luật Đất đai nào không được giải trình' - Ảnh 4.

Chủ tịch Quốc hội kết luận nội dung buổi làm việc

QUOCHOI.VN

"Tinh thần là phải cầu thị, tôn trọng mọi ý kiến góp ý của nhân dân, gạn đục khơi trong, không để có một ý kiến nào không được tổng hợp, không có ý kiến nào không được giải trình", Chủ tịch Quốc hội nói, đồng thời đề nghị các cơ quan tổng hợp toàn diện các góp ý, chọn các vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác nhau tiếp tục tổ chức tọa đàm, hội thảo chuyên sâu, kỹ lưỡng, nhất là các vấn đề về tài chính đất đai và giá đất.

Dự thảo luật Đất đai sửa đổi được tổ chức lấy ý kiến nhân dân từ 3.1 - 15.3. Theo dự kiến, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần 2 đối với dự án luật này tại kỳ họp tháng 5 tới và thông qua tại kỳ họp cuối năm.

Theo báo cáo của Bộ TN-MT, tính đến ngày 6.3, chỉ tính riêng số liệu trên website lấy ý kiến nhân dân của cơ quan soạn thảo, chưa tính số liệu của các địa phương, đã có 7.873 lượt ý kiến góp ý của 768 tổ chức, cá nhân vào các nội dung của dự thảo luật Đất đai sửa đổi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.