Không đeo khẩu trang nơi công cộng sẽ bị phạt từ 5.8: Người trẻ nói gì?

04/08/2020 13:48 GMT+7

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu kể từ ngày 5.8 sẽ phạt hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng. Người trẻ nói gì về yêu cầu này?

Hãy có ý thức vì cộng đồng

Theo Hoa khôi Nét đẹp sinh viên TP.HCM năm 2017 Nguyễn Thị Thanh Nga, hiện công tác tại Trường ĐH Kinh tế-Luật TP.HCM, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, số ca nhiễm và nghi nhiễm đang gia tăng thì việc áp dụng hình thức xử phạt hành chính khi không đeo khẩu trang nơi công cộng là cần thiết.
“Việc này như một sự nhắc nhở với người dân về tầm quan trọng của việc đeo khẩu trang nói riêng và những biện pháp phòng tránh dịch nói chung để người dân có ý thức tự bảo vệ mình và những người xung quanh mà không chủ quan, lơ là trước đại dịch. Riêng cá nhân mình luôn tự giác tuân thủ việc phòng dịch khi đến cơ quan làm việc hay có dịp tới những nơi công cộng. Và mình cũng mong rằng mỗi người trẻ hãy có ý thức đeo khẩu trang vì cộng đồng để cùng đẩy lùi dịch bệnh Covid-19”, Hoa khôi Thanh Nga đồng tình.

TP.HCM phạt người không đeo khẩu trang từ ngày 5.8 để chống Covid-19

Còn anh Nguyễn Gia Huy, Bí thư Đoàn Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, chia sẻ: “Với quan điểm bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm bắt buộc mọi người phải đeo khẩu trang khi đến những nơi công cộng”.
Vì sao bạn ủng hộ quan điển này? Anh Gia Huy nói: “Mỗi người dân, đặc biệt là người trẻ phải luôn có ý thức trách nhiệm với cộng đồng, mà trước tiên phải chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cho chính bản thân mình”.
Anh Gia Huy cho biết: “Tại trường đại học của tôi đang công tác thì việc sinh viên thực hiện đeo khẩu trang khi học tập, rèn luyện đã được triển khai và nhận được sự đồng tình, chấp hành rất tốt từ tất cả các bạn sinh viên. Không những thế, chính các bạn sinh viên còn đóng vai trò là người tuyên truyền thông điệp, hành động thiết thực bảo vệ bản thân như: đeo khẩu trang đúng cách, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn đến gia đình, người thân để góp phần chung tay cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh Covid-19”.
Với chị Trần Phương Ánh Sương, chủ quán cà phê Hạt (132A Vườn Chuối, P.4, Q.3, TP.HCM) cho biết mình cũng ủng hộ lời kêu gọi của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong về việc bắt buộc mọi người đeo khẩu trang khi đến những nơi công cộng kể từ ngày 5.8.
Chị Ánh Sương chia sẻ: “Do đặc thù công việc buôn bán quán cà phê nên lúc nào tôi cũng đeo khẩu trang để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của bản thân. Không những thế, tôi cũng mong những người khách đến ủng hộ quán của mình mỗi ngày nên đeo khẩu trang, góp phần cùng thành phố trong việc phòng chống để sớm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, mang lại nhịp sống bình thường và bình yên trong xã hội”.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân: Nhiều nước "vỡ trận" vì không đeo khẩu trang trong đại dịch Covid-19

Có thể xử phạt bằng hình thức lao động công ích

Thạc sĩ công tác xã hội Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Tương Lai (TP.HCM), nói: “Ngoài rửa tay sát khuẩn, giãn cách xã hội, cách ly xã hội thì theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lẫn Bộ Y tế thì giai đoạn hiện nay việc tự giác đeo khẩu trang ở những nơi công cộng, đông người là 1 trong 4 biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19 phù hợp”.
Thạc sĩ Minh Hải chia sẻ: “Tôi đồng ý chính quyền cần áp dụng một số hình thức chế tài đối với những người đã được truyền thông về cách phòng bệnh Covid-19 như: đeo khẩu trang nơi công cộng, đông người nhưng vẫn cố tình không thực hiện có thể dẫn đến nguy cơ lây lan bệnh Covid-19 cho bản thân lẫn công đồng. Tuy nhiên, xử phạt như thế nào và hình thức xử phạt ra sao mới là vấn đề tôi quan tâm”.
Thạc sĩ Minh Hải hiến kế: “Ngoài xử phạt bằng tiền, chúng ta có thể áp dụng hình thức lao động công ích liên quan đến hoạt động phòng ngừa dịch Covid-19 tại địa phương để nâng cao ý thức của họ. Chúng ta cần truyền thông thay đổi hành vi, tức làm sao để mọi người hiểu rõ nội dung, thông điệp nhưng sau đó phải thay đổi hành vi tích cực hơn. Làm sao để người dân hiểu nội dung, lợi ích của đeo khẩu trang nơi công cộng và tự giác đeo khẩu trang chứ không phải vì sợ phạt mà thực hiện. Mà quá trình thay đổi hành vi của người dân thường trải qua các bước khác nhau như từ chưa biết, biết ít, hiểu rõ lợi ích, muốn làm thử, chờ kết quả, áp dụng hành vi mới. Mỗi bước trong quá trình thay đổi hành vi của người dân cần có cán bộ chuyên môn hỗ trợ để họ thay đổi”.

Tình hình Covid-19 tại Việt Nam sáng 4.8: Thêm 10 ca mắc mới ở Quảng Nam, Đà Nẵng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.