Thiền sư Thích Nhất Hạnh – Sư Ông Làng Mai (1926 - 2022) đã viết hơn 100 cuốn sách, tất cả đều được độc giả đón nhận nồng nhiệt. Trong đó, Không diệt không sinh đừng sợ hãi là một trong những tác phẩm chữa lành cuối cùng mà ông để lại cho đời.
Theo thiền sư Nhất Hạnh, ngày mẹ mất, trong cuốn nhật ký của mình, ông viết rằng "Tai nạn lớn nhất đời mình đã xảy ra rồi". Ông đau khổ hơn một năm sau khi mẹ mình qua đời. Nhưng rồi một đêm, ông mơ thấy mẹ về bên cạnh trong hình dáng trẻ đẹp hơn, họ cùng nhau chuyện trò vui vẻ... Tỉnh dậy, ông có cảm giác chân thực là ông chưa từng mất mẹ, "cảm tưởng mẹ ở trong tôi rất rõ ràng. Tôi hiểu rằng ý tưởng mất mẹ chỉ là một ý tưởng mà thôi...".
Từ ấy, ông đã không còn buồn, vì biết mẹ mình vẫn tồn tại: có thể ở ánh trăng vuốt ve mình thật dịu dàng âu yếm như bà thường hay làm, có thể là ngọn cỏ, cơn gió... và "... tôi biết thân này không phải của riêng tôi mà nó là sự tiếp nối của mẹ, của cha, của ông bà, của cụ kị, của tổ tiên".
Trong lời đầu sách, nhà thiền định và triết học đạo Shikh - Pritam Singh cho biết, "Tôi có một người bạn thân là một nhà sinh vật học chuyên về các loài sống dưới biển. Giống như nhiều người, anh ta tin rằng chết là chết vĩnh viễn. Niềm tin này của anh không tới từ thiếu đức tin hay vì tuyệt vọng, mà vì anh tin vào khoa học. Anh có lòng tin vào thế giới thiên nhiên, vào vẻ đẹp của vũ trụ chưa được khai phá quanh anh, vào khả năng hiểu biết của loài người về vũ trụ đó.
Thích Nhất Hạnh cũng có lòng tin vững chắc vào khả năng có thể đạt tới hiểu biết của con người. Nhưng mục tiêu của Thầy cao cả hơn sự thu góp các kiến thức khoa học. Đó là sự giải thoát và trí tuệ bát nhã.
Viết những trang sách này do kinh nghiệm của chính mình, Thầy Nhất Hạnh đưa ra một thay thế đáng ngạc nhiên cho hai triết lý trái ngược nhau về vĩnh cửu và hư không. Thầy nói:
“Tự muôn đời tôi vẫn tự do. Tử sinh chỉ là cửa ngõ ra vào, tử sinh là trò chơi cút bắt. Tôi chưa bao giờ từng sinh cũng chưa bao giờ từng diệt” và “Nỗi khổ lớn nhất của chúng ta là ý niệm về đến-đi, lui-tới”".
Nhà thiền định Pritam Singh cho rằng, là một thi sĩ nên khi giải thích về các sự trái ngược trong đời sống, Thầy Thích Nhất Hạnh đã nhẹ nhàng vén bức màn vô minh ảo tưởng giùm chúng ta, cho phép chúng ta (có lẽ lần đầu tiên trong đời) được biết rằng sự kinh hoảng về cái chết chỉ có nguyên nhân là các ý niệm và hiểu biết sai lầm của chính mình mà thôi. Và như lời nhà thiền định Pritam Singh, "tri kiến về sống, chết của Thầy vô cùng vi tế và đẹp đẽ. Cũng như những điều vi tế, đẹp đẽ khác, cách thưởng thức hay nhất là thiền quán trong thinh lặng", và "lòng nhân hậu và từ bi phát xuất từ suối nguồn thâm tuệ của Thích Nhất Hạnh là một loại thuốc chữa lành những vết thương trong trái tim chúng ta".
Bình luận (0)