Không đồng tình mở rộng loại đất được thỏa thuận làm dự án nhà ở thương mại

03/11/2023 10:14 GMT+7

Tiếp thu, chỉnh lý luật Đất đai sửa đổi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không đồng tình đề xuất của Chính phủ mở rộng các loại đất được làm dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất.

Sáng 3.11, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về tiếp thu, giải trình luật Đất đai sửa đổi trước khi Quốc hội thảo luận luật này.

Đề xuất chính sách không thống nhất

Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, đến nay, nhiều chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu. Trong quá trình rà soát tiếp tục phát sinh các vấn đề chính sách mới có ý kiến khác nhau do phạm vi của dự án luật Đất đai rất rộng, liên quan mật thiết, chặt chẽ với nhiều quy định tại các luật khác.

Không đồng tình mở rộng loại đất được thỏa thuận làm dự án nhà ở thương mại - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự án luật Đất đai sửa đổi

GIA HÂN

Báo cáo tiếp thu giải trình dự án luật Đất đai sửa đổi được gửi tới các đại biểu Quốc hội tối qua dài tới 413 trang, trong đó vẫn còn 16 nội dung có 2 phương án trở lên, trong khi chỉ có 5 nội dung có một phương án. 

Một trong những vấn đề còn ý kiến rất khác nhau là quy định thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc sử dụng quyền sử dụng đất đang có để thực hiện dự án nhà ở thương mại.

Ông Thanh cho biết, về nội dung này, theo quy định của luật Nhà ở hiện hành, chỉ được thực hiện dự án nhà ở thương mại đối với trường hợp đang có quyền sử dụng đất nếu đó là thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với đất ở hoặc đất ở và đất khác (không phải đất ở, bao gồm cả đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp). Cạnh đó, chỉ được thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với trường hợp đang có quyền sử dụng đất nếu đó là đất ở.

Tại dự thảo luật Đất đai sửa đổi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 hồi tháng 6 vừa qua, quy định 2 loại đất thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất: đất ở; đất ở và đất khác (không phải đất ở, bao gồm cả đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp).

Theo ông Thanh, quy định như vậy là giữ quy định của pháp luật hiện hành về các loại đất thực hiện dự án nhà ở thương mại đối với người đang có quyền sử dụng đất, nhưng mở rộng hơn đối với thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất ở trường hợp có đất hỗn hợp đất ở và đất khác.

Tuy nhiên, tại dự thảo luật Nhà ở sửa đổi trình Quốc hội tại kỳ họp 5 lại quy định 3 loại đất thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, gồm: đất ở; đất ở và đất khác (không phải đất ở, bao gồm cả đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp); đất phi nông nghiệp không phải là đất ở đã hoàn thành việc nộp tiền sử dụng đất hoặc nộp tiền thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.

"Quy định như vậy mở rộng hơn quy định của pháp luật hiện hành đối với các trường hợp thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất", ông Thanh nói, cho rằng, cùng là các dự án luật do Chính phủ trình nhưng nội dung chính sách không thống nhất.

Không giới hạn loại đất chuyển nhượng làm nhà ở thương mại

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho hay, qua thảo luận, các cơ quan nhất trí về nguyên tắc: Chính phủ phải có ý kiến chính thức, thống nhất chính sách về nội dung này, thuyết minh đầy đủ, rõ ràng, khách quan, minh bạch. 

Không đồng tình mở rộng loại đất được thỏa thuận làm dự án nhà ở thương mại - Ảnh 2.

Quốc hội sẽ dành thời gian cả ngày 3.11 thảo luận về dự án luật Đất đai sửa đổi

GIA HÂN

Chỉ quy định về các loại đất thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất tại luật Đất đai; đồng thời tại luật Nhà ở có quy định dẫn chiếu sang luật Đất đai.

Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội và ý kiến của Chính phủ, ông Thanh cho biết, dự thảo luật thiết kế 2 phương án. 

Phương án 1 là giữ quy định về các loại đất được làm dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất như luật Nhà ở hiện hành. 

Theo đó, chỉ được thực hiện dự án nhà ở thương mại đối với trường hợp đang có quyền sử dụng đất nếu đó là đất ở hoặc đất ở và đất khác (không phải đất ở, bao gồm cả đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp). Cạnh đó, chỉ được thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với đất ở.

Ông Thanh cho biết, đa số ý kiến Đảng đoàn Quốc hội thống nhất theo hướng này khi cho ý kiến về nội dung này tại dự án luật Nhà ở sửa đổi.

Phương án 2 là mở rộng các loại đất được làm dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất; điều kiện được nhận chuyển nhượng không giới hạn về các loại đất.

Phương án này nhằm thúc đẩy tiến trình đô thị hóa đất nước, giải quyết nhu cầu đất ở cho người dân và thuận lợi cho nhà đầu tư, giảm bớt chi phí tuân thủ, rút ngắn thời gian đưa đất vào khai thác, sử dụng khi thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất thay vì thủ tục thu hồi đất và giao đất, cho thuê đất trong bối cảnh còn hạn chế về ngân sách để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất.

Quy định này mới chỉ là điều kiện về đất đai; để sử dụng đất thực hiện dự án, người sử dụng đất phải bảo đảm đầy đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, các pháp luật khác có liên quan như quy hoạch, xây dựng… Đây cũng là đề xuất của Chính phủ. 

Ông Thanh cho biết, đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với phương án 1, tức giữ như quy định hiện hành, không mở rộng các loại đất được làm dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất. 

Do đây là vấn đề còn ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến đại biểu Quốc hội về vấn đề này. 

Luật Đất đai sửa đổi đã được cho ý kiến qua 3 kỳ họp và dự kiến sẽ được Quốc hội bấm nút thông qua vào ngày bế mạc kỳ họp 6 đang diễn ra (dự kiến ngày 29.11).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.