Vụ án Trương Mỹ Lan:

Không được đào tạo về ngân hàng, nhưng lại được đưa vào thanh tra SCB

27/03/2024 20:28 GMT+7

Nguyễn Duy Phương, thành viên đoàn thanh tra SCB khai là người duy nhất không được đào tạo về ngân hàng nhưng lại được đưa vào tham gia cùng đoàn.

Chiều 27.3, tại TAND TP.HCM diễn ra phần bào chữa của luật sư cho các bị cáo trong vụ án Trương Mỹ Lan và đồng phạm gây thiệt hại cho SCB khoảng 498.000 tỉ đồng.

Luật sư bào chữa cho nhóm các bị cáo bị truy tố tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thuộc đoàn thanh tra, đề nghị tòa cho hưởng mức án khoan hồng nhất. Bởi theo luật sư, các bị cáo đã rất ăn năn hối hận về những hành vi sai phạm.

Cụ thể, luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Duy Phương (Thanh tra viên Vụ Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khối nội chính và kinh tế tổng hợp, Thanh tra Chính phủ) đề nghị tòa xem xét bị cáo chỉ là thành viên, chứ không phải trưởng hay phó đoàn thanh tra. Bị cáo đã phát hiện những sai phạm, có những đề xuất xác minh làm rõ nhưng không được chấp nhận. Phương chỉ có sai là đã không kiên quyết hơn trong đề xuất của mình.

Vụ án Trương Mỹ Lan: Giám đốc chi nhánh chưa tốt nghiệp đại học đã làm việc ở SCB

Việc che giấu làm nhẹ những sai phạm tại SCB là do các bị cáo phó trưởng đoàn thực hiện. Phương hoàn toàn không biết các chỉ đạo của bị cáo Nguyễn Văn Hưng (Phó chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước) và Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II).

Đồng thời, bị cáo không được ai báo hay cho biết về các thông tin được đưa ra khỏi báo cáo trong khi bị cáo không có chuyên môn sâu về ngân hàng, bị cáo khi ký tên chỉ với mục đích cho đủ thành phần.

Tự bào chữa, Phương khẳng định: "Bị cáo là người duy nhất trong đoàn thanh tra không được đào tạo chuyên ngành ngân hàng. Bị cáo rất băn khoăn, không hiểu sao lại được lãnh đạo đưa vào tham gia đoàn thanh tra".

Còn luật sư bào chữa cho Nguyễn Thị Phụng (Phó cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, mức án mà Viện KSND TP.HCM đề nghị cho bị cáo từ 4 - 5 năm tù là có phần nghiêm khắc.

Xem nhanh 20h ngày 28.3: Giám đốc chi nhánh SCB mong được xem xét lại về mức án

Phụng là Phó trưởng đoàn thanh tra, thực hiện theo sự chỉ đạo của Nguyễn Văn Hưng và Đỗ Thị Nhàn. Bởi theo luật sư, Phụng chỉ sai ở chỗ đồng ý sửa báo cáo thanh tra, chứ bị cáo không tham mưu cho Nhàn để làm trái công vụ. Mặc dù, Phụng là Phó đoàn thanh tra, nhưng bị cáo không được Nhàn ủy quyền, hay Phụng cũng không có chỉ đạo gì đối với các bị cáo khác trong vụ án.

Bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ như đã khắc phục hậu quả, khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, phối hợp với cơ quan điều tra để sớm làm sáng tỏ vụ án.

Không được đào tạo về ngân hàng, nhưng lại được đưa vào thanh tra SCB- Ảnh 1.

Các bị cáo tại tòa

THẢO NHÂN

Ngoài ra, luật sư của Nguyễn Tuấn Anh (công chức Vụ Thanh tra, giám sát các Tổ chức tín dụng trong nước, Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, bị cáo là người trẻ nhất, hoàn toàn không nắm giữ chức vụ gì.

Do có nghiệp vụ nên Tuấn Anh được giao thêm khâu tiếp nhận và tổng hợp. Vì là cấp dưới nên bị cáo phải tuân theo sự chỉ đạo của cấp trên là bị cáo Nhàn và Phụng. Luật sư đề nghị xem xét thêm tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo vì là người đề xuất kiến nghị chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra để điều tra xử lý sai phạm xảy ra tại SCB…

Các bị cáo trên bị cáo buộc về quá trình thanh tra tại SCB từ năm 2017 - 2018, các bị cáo là những người biết rõ thực trạng vi phạm, sai phạm nghiêm trọng của ngân hàng này tại các dự án, phương án tái cơ cấu; vi phạm tại các khoản vay của nhóm khách hàng tại số 4 Nguyễn Thị Minh Khai, Q1.

SCB yêu cầu được toàn quyền quản lý, sử dụng tài sản của Trương Mỹ Lan

Các bị cáo biết rõ thực trạng tài chính rất xấu của SCB thông qua kết quả thanh tra. Tuy nhiên, vì nhận tiền, lợi ích vật chất từ ngân hàng này nên Hưng chỉ đạo Nhàn, rồi Nhàn chỉ đạo tổ tổng hợp và các thành viên trong đoàn, cố tình che giấu, bưng bít, dự thảo kết luận thanh tra.

Đồng thời, các bị cáo báo cáo không trung thực, không đầy đủ lên lãnh đạo ngân hàng nhà nước và Chính phủ. Mục đích, không chuyển các sai phạm sang cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật và tạo điều kiện cho SCB tiếp tục được thực hiện đề án tái cơ cấu.

Cáo trạng xác định, hành vi nhận tiền để làm trái công vụ của đoàn thanh tra đã tạo điều kiện cho Trương Mỹ Lan và đồng phạm rút tiền và sử dụng tiền trái pháp luật tại SCB, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng với số tiền hơn 514.000 tỉ đồng.

Trong đó, Hưng với vai trò chủ mưu, các bị cáo khác với vai trò giúp sức cho Hưng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.