Không được phép sai lầm ở bậc tiểu học!

10/10/2009 00:14 GMT+7

Xung quanh vấn đề chương trình học sinh lớp 1 quá tải, PV Thanh Niên đã có cuộc trò chuyện với tiến sĩ khoa học Nguyễn Kế Hào (ảnh) - người đã từ chức Vụ trưởng Vụ Tiểu học (Bộ GD-ĐT) vào năm 2001, để phản đối việc thực hiện đổi mới chương trình tiểu học lúc đó. Nghe đọc bài

* Thưa ông, tâm trạng của ông thế nào khi mà hiện nay, chương trình của bậc tiểu học sau gần 7 năm đổi mới nhưng vẫn thể hiện những bất cập ?

- Thú thực, dù không muốn nhắc lại chuyện cũ nhưng tôi vẫn lấy làm tiếc vì những kiến nghị của tôi lúc đó đã không được chấp nhận. Cũng xin nói thêm rằng, không phải đến khi Bộ GD-ĐT chọn chương trình tiểu học (CTTH) 2000 để triển khai đổi mới giáo dục phổ thông, tôi mới can ngăn. Trong suốt 6 năm từ 1995-2001, chúng tôi đã đề nghị nhiều ý kiến tại các cuộc họp, có những ý kiến được xây dựng thành văn bản và tờ trình về CTTH-2000 gửi tới lãnh đạo bộ (lúc đó là Bộ trưởng Nguyễn Minh Hiển - PV). Nhưng tất cả những ý kiến đóng góp của chúng tôi đều bị bỏ qua và cũng không có thông tin phản hồi.

Ảnh: V.T

* Lúc đó Quốc hội đã có Nghị quyết về đổi mới giáo dục phổ thông bắt đầu từ chương trình tiểu học, vì sao ông lại can ngăn lãnh đạo Bộ không nên làm?

- Lúc đó có ý kiến cho rằng tôi "chống lại" nghị quyết của Quốc hội. Thực tế tôi chỉ nêu và cảnh báo những bất cập để cuộc đổi mới của Bộ GD-ĐT lần này không lặp lại vết xe đổ của cuộc cải cách giáo dục (CCGD) trước đó (CCGD lần thứ 3). Bởi cuộc CCGD năm 1981 đã để lại nhiều bài học đắt giá do thiếu một tổng chỉ huy, thiếu một kế hoạch thiết kế chương trình ngay từ đầu nên nhiều cuốn sách giáo khoa (SGK) được viết theo ý tác giả và đã khiến cho học sinh bị quá tải. Đặc biệt, việc chỉ đạo cả nước chỉ dùng một bộ SGK đã làm cho nhiều học sinh ở vùng sâu, vùng xa không thể học tập đạt kết quả, dẫn đến tình trạng học sinh lưu ban, bỏ học nhiều…

Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, ngành giáo dục đã thực hiện điều chỉnh CCGD bằng nhiều giải pháp, trong đó có việc ban hành và cho phép thực hiện nhiều chương trình một lúc để đáp ứng cho từng đối tượng. Lúc đó đã có 4 chương trình được thực hiện: chương trình 100 tuần dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, 120 tuần dành cho trẻ em dân tộc miền núi, 165 tuần dành cho học sinh dùng đại trà; bên cạnh đó là chương trình và SGK công nghệ giáo dục được triển khai từ đầu những năm 1990. Dù thực hiện 4 chương trình, 4 bộ SGK nhưng được thống nhất Yêu cầu cơ bản về kiến thức và kỹ năng từng môn học. Yêu cầu này do Bộ GD-ĐT xây dựng, ban hành và xem như là chuẩn của từng môn học.

Có thể nói sau 20 năm vừa điều chỉnh, sửa chữa, bổ sung thì đến năm 2000, chương trình và SGK bậc tiểu học mới bắt đầu ổn định và bước đầu cải thiện về chất lượng. 2000-2001 cũng là năm học đầu tiên thực hiện chương trình giảm tải thì Bộ lại chủ trương bỏ tất cả các chương trình hiện hành để triển khai một chương trình mới, đó là CTTH-2000 với rất nhiều bất cập.

* Cụ thể những bất cập đấy là gì?

"Hồi tôi còn làm việc, Bộ GD-ĐT quy định học kỳ 1 năm lớp 1 chưa dùng điểm số để đánh giá học sinh, mà chỉ động viên, khuyến khích để các em làm quen với chữ, với số".

TSKH Nguyễn Kế Hào

- Tôi đã chỉ ra tất cả những bất cập của CTTH -2000 mà Bộ quyết định chọn làm chương trình áp dụng cho toàn quốc. Trong đó tôi khẳng định rằng chương trình này thiếu hụt về cơ sở khoa học và thiếu tính thực tiễn. Ví dụ: Chưa có những công trình nghiên cứu khoa học về những vấn đề mà cuộc đổi mới chương trình và SGK lần này phải giải quyết để tạo sự phát triển mới; chưa tổng kết đánh giá về cuộc CCGD lần thứ 3 để thấy được lần đổi mới này sẽ kế thừa những gì, phát triển thế nào và nhất là cần tránh điều gì; chưa có thiết kế tổng thể và chưa có sự triển khai đồng bộ như: chưa quan tâm đúng mức đến đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất thiết bị, điều kiện kinh tế xã hội…

Đặc biệt, chưa có hệ thống quan điểm về giáo dục nói chung và về chương trình và SGK nói riêng, trong đó có bậc tiểu học. Những người chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo việc thực hiện đổi mới chương trình và SGK nhiều lần tuyên bố là "chương trình và SGK chỉ thay đổi khoảng 5% so với chương trình và SGK hiện hành". Nếu làm cuộc đổi mới như vậy sẽ gây lộn xộn, tốn kém tiền của và công sức của Nhà nước, nhân dân.

Đó là những vấn đề vĩ mô, còn xét về quy trình thực hiện thì có không ít những vấn đề phi khoa học, giáo dục như: chưa có mục tiêu và kế hoạch giáo dục tiểu học, nghĩa là chưa quy định được số môn học và thời lượng cho từng môn học nhưng ban soạn thảo CTTH-2000 đã triển khai xây dựng chương trình từ trước đó 5 năm! Thêm nữa, chương trình dự thảo các môn học ở tiểu học chưa được Bộ trưởng ký ban hành tạm thời để làm căn cứ viết SGK nhưng ban soạn thảo chương trình và ban chỉ đạo thử nghiệm CTTH-2000 đã tổ chức viết SGK.

Việc triển khai thử nghiệm cũng không đúng: chưa có quyết định của Bộ trưởng nhưng cứ thực hiện. Những trường được triển khai thử nghiệm đều là những trường vào loại khá và tốt của các tỉnh, thành. Trong quá trình thử nghiệm, Ban chỉ đạo và tập thể tác giả thiếu đi sâu đi sát, không lắng nghe và tiếp thu ý kiến của giáo viên và phụ huynh, không quan tâm đến kết quả học tập thật, chất lượng thật của học sinh mà dùng lối áp đặt, tự biện…

* Vậy kiến nghị của ông lúc đó là gì?

- Chúng tôi cảnh báo rằng, nếu làm như ban chỉ đạo đang làm thì lặp lại vết xe cũ như cuộc CCGD năm 1981, nhưng lần này còn nguy hiểm hơn vì công việc chuẩn bị chính, những việc cốt lõi lại làm trong khuôn khổ một dự án! Vì vậy, chúng tôi đã đề nghị với lãnh đạo Bộ là chỉ nên xem những việc đã làm trong khuôn khổ dự án là bước tập dượt và thăm dò, cần có chương trình mục tiêu quốc gia về thực hiện chủ trương đổi mới chương trình SGK phổ thông trong đó có bậc tiểu học.

Lúc đó tôi cũng đã chỉ ra rằng: chương trình - SGK tiểu học không đòi hỏi cao về nội dung kiến thức nhưng cần sự tinh tế về tính sư phạm, đòi hỏi sự thận trọng kỹ càng về mọi mặt. Ở bậc tiểu học không được phép sai lầm, không thể vừa làm vừa điều chỉnh, vừa làm vừa hoàn thiện mà phải được thiết kế rõ ràng, đầy đủ, đảm bảo tính chuẩn xác và độ an toàn thì mới có thể triển khai đại trà.

* Bây giờ nếu được kiến nghị lại, ông sẽ nói gì?

- Như đã nói ở trên, tôi rất lấy làm tiếc vì những kiến nghị tâm huyết của mình đã bị bỏ qua để rồi giờ đây các thế hệ học sinh lại bị ảnh hưởng bởi những gì mà các nhà quản lý gây ra. Việc học sinh phải học khổ và phụ huynh phải cho con đi học trước vào lớp 1 là hậu quả của việc ngay từ lớp 1 đã có những áp lực không cần thiết do chính Bộ GD-ĐT tạo ra. Đó là quyết định thay đổi hình thức đánh giá từ nhận xét sang cho điểm ngay từ lớp 1. Còn với tôi, để kiến nghị lại với Bộ GD-ĐT tôi vẫn nhắc lại điều mà mình đã nói gần 10 năm trước: không được phép sai lầm ở bậc tiểu học!            

Vũ Thơ
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.