Không ghi xếp loại trên bằng tốt nghiệp: Học lực không quyết định khi tuyển dụng!

07/10/2019 19:51 GMT+7

Với các nhà tuyển dụng, việc xếp loại trên bằng tốt nghiệp không quyết định việc được tuyển dụng hay bị loại.

Dư luận xã hội những ngày gần đây có nhiều ý kiến về dự thảo vừa được Bộ GD-ĐT đưa ra lấy ý kiến lần 1 thông tư Ban hành Quy định nội dung chính ghi trên văn bằng tốt nghiệp ĐH.
Dự thảo này nêu rõ 10 nội dung chính được thể hiện trên văn bằng giáo dục ĐH và cũng cho phép các cơ sở đào tạo được bổ sung thêm các nội dung khác phù hợp với quy định pháp luật.
Nếu so với quy định cũ, thông tư số 19/2011 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành mẫu bằng tốt nghiệp ĐH, thì ở dự thảo mới bằng tốt nghiệp sẽ không ghi xếp loại theo các mức như trước gồm: xuất sắc, giỏi, khá, trung bình khá, trung bình.

"Giám đốc điều hành công ty tôi không có bằng ĐH"

Đại diện các đơn vị tuyển dụng cho biết, việc ứng viên được xếp loại gì trên bằng tốt nghiệp chưa quyết định việc được tuyển dụng hay không.
Ông Huỳnh Bảo Toàn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Zentado, bày tỏ sự đồng tình với dự thảo mới khi không thể hiện nội dung xếp loại trên bằng tốt nghiệp ĐH.
Ông Toàn quan niệm: “Bằng tốt nghiệp cần thiết để khẳng định chuyên môn được đào tạo của ứng viên. Còn xếp loại tốt nghiệp của ứng viên thì gần như tôi chưa từng quan tâm tới khi tuyển người. Thậm chí, giám đốc điều hành của công ty tôi còn không có bằng tốt nghiệp ĐH nhưng vẫn làm tốt công việc”.
Ông Nguyễn Văn Sang, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (Thành đoàn TP.HCM), cũng cho biết từ kinh nghiệm thực tế tiếp nhận nhu cầu các đơn vị tuyển dụng cho thấy học lực thể hiện trên văn bằng tốt nghiệp chỉ là yếu tố giúp ứng viên được ưu tiên hơn chứ không quyết định việc trúng tuyển hay bị loại của ứng viên đó.
“Quá trình tuyển dụng, các đơn vị còn đánh giá ứng viên qua nhiều vòng xét tuyển, dựa trên nhiều yếu tố khác ngoài bằng cấp như: ngoại ngữ, kỹ năng mềm…”, ông Sang cho hay.

Nhà tuyển dụng yêu cầu gì?

Cũng theo ông Sang, tùy theo từng đơn vị và lĩnh vực ngành nghề có những yêu cầu khác nhau với ứng viên đầu vào. Cụ thể, những công ty lớn tuyển ứng viên các ngành kỹ thuật thường đưa ra yêu cầu về trường ĐH đào tạo ứng viên đó, có những đơn vị yêu cầu ứng viên tốt nghiệp với điểm trung bình từ 6,5 điểm trở lên. “Các đơn vị này họ không yêu cầu kinh nghiệm vì thường sẽ tự đào tạo lại”, ông Sang thông tin.
Trong khi đó, các đơn vị tuyển dụng các vị trí việc làm khác thường quan tâm nhiều đến năng lực trực tiếp liên quan tới công việc. Chẳng hạn, để tuyển người vào vị trí kinh doanh thì yêu cầu khả năng giao tiếp, ngoại hình dễ nhìn, khiếu kinh doanh…
Còn theo ông Huỳnh Bảo Toàn, khi tuyển dụng ông quan tâm nhất là năng lực thực sự của ứng viên, thể hiện ban đầu qua cách chuẩn bị hồ sơ xin việc, qua trao đổi trực tiếp, rồi 2 tháng thử việc...
“Kinh nghiệm thực tế cho thấy có những người tốt nghiệp bằng giỏi nhưng không thành công trong công việc. Để thành công, tấm bằng giỏi chỉ góp một phần nhỏ”, ông Toàn nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.