Kết quả kiểm tra của Bộ Tài chính được công bố ngày 3.2 cho thấy doanh nghiệp tại một số địa phương thiếu nghiêm túc trong kê khai giảm giá, cố tình chậm giảm giá cước vận tải làm thiệt hại đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Giá xăng giảm, nhiều doanh nghiệp vẫn cố tình chây ì, đòi tăng phí phụ thu
Ảnh: Ngọc Thắng |
Cụ thể, tại Hà Nội và Hòa Bình ngay sau khi có số liệu từ đoàn kiểm tra báo cáo về, Bộ Tài chính đã gửi công văn tới UBND TP.Hà Nội và tỉnh Hòa Bình.
Vẫn tăng giá cước từ 20 - 60%
Theo đó, qua kiểm tra tại Bến xe Giáp Bát (Hà Nội), một số doanh nghiệp (DN) vận tải của Hà Nội chậm giảm giá so với DN khác. Đặc biệt, một số tuyến vận tải cố định (Hà Nội - TP.HCM và tuyến Thanh Hóa - Hà Nội), DN còn đề nghị phụ thu tăng giá cước với mức từ 20 - 60% trong khoảng thời gian 20 ngày trước và sau tết. Tại Bến xe Nước Ngầm (Hà Nội), mới có 32/88 DN đã đăng ký giảm giá vé với mức giảm từ 2 - 20%. Nhưng một số tuyến vận tải cố định (TP.HCM - Hà Nội và tuyến Quảng Ngãi - Hà Nội) cũng đề nghị phụ thu tăng giá cước từ 40 - 60% trong khoảng thời gian 20 ngày trước và sau tết.
Tương tự, theo báo cáo sơ bộ, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 23 đơn vị vận tải (bao gồm cả xe buýt, taxi) chạy trên 115 đầu tuyến. Qua kiểm tra có 34 đầu tuyến cố định của 11/23 DN kê khai giảm giá với mức giảm từ 4 - 20% tùy từng đầu tuyến. Tuy nhiên, vẫn còn một số DN chưa thực hiện kê khai giảm giá với lý do các chi phí đầu vào tăng cùng với các khó khăn về nhu cầu hành khách giảm trên các đầu tuyến địa phương.
Trên địa bàn TP.HCM, theo kết quả kiểm tra, kể từ ngày 18.7.2014 đến hết ngày 30.1.2015 diễn ra 3 đợt giảm giá cước, nhưng trong đó có một số DN chỉ thực hiện giảm có 2 lần. Cụ thể, trong đợt kê khai giá cước đợt hai (từ 16.12.2014 đến ngày 21.1.2015) có 12/20 DN taxi kê khai giảm giá với mức đăng ký mới giảm từ 2,7 - 14,3% (giảm từ 500 - 1.500 đồng/km), trong đó có các DN chiếm tỷ trọng lớn trong ngành như: taxi Mai Linh, taxi Vinasun, taxi Phương Trang. Có 35/55 DN kinh doanh vận tải theo tuyến cố định kê khai giảm giá cước lần 2 với mức giảm từ 3,2 - 18,5% cho tất cả các tuyến.
Đối với các DN chưa chịu giảm giá cước đợt hai, Bộ Tài chính cho biết sẽ yêu cầu Sở Tài chính địa phương tính toán tỷ lệ giảm giá xăng, dầu để đề nghị các DN giảm giá cước phù hợp với mức giảm giá xăng, dầu. Bộ Tài chính khẳng định sẽ thực hiện công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng danh sách DN chậm kê khai giảm giá cước. Đồng thời, tiếp tục tăng cường kiểm tra tình hình thực hiện kê khai của các DN vận tải trên địa bàn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Vận động hành khách tẩy chay DN chây ì
Cũng trong ngày hôm qua, ở TP.HCM, làm việc tại Bến xe Miền Đông (BXMĐ), Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng yêu cầu lãnh đạo BXMĐ, Sở GTVT tuyệt đối không để thiếu xe, thiếu chỗ đưa, đón người dân trước, trong và sau tết; không để xe chở quá số khách quy định, kiểm tra điều kiện kỹ thuật xe trước khi xuất bến, không để xe khách chở hàng quá tải.
Ông Thăng đề nghị lực lượng CSGT (Bộ Công an) kiểm soát, tổ chức tuyến, luồng giao thông an toàn dọc các quốc lộ, tỉnh lộ, không để ùn ứ trong dịp tết. Liên quan đến việc bán vé xe tết, ông Thăng chỉ đạo Giám đốc BXMĐ mời đại diện Công ty Phương Trang đến yêu cầu rút kinh nghiệm việc bán vé xe, không để lặp lại tình trạng hàng nghìn người chực chờ cả ngày mà nhiều người không mua được vé. Năm tới, việc bán vé xe phải qua hình thức điện tử như vé tàu, đổi vé cũng qua điện tử để người dân khỏi chờ, đợi vất vả.
Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu ngay trong ngày 3.2, lãnh đạo BXMĐ phải công khai tại bến xe danh sách DN không giảm giá cước. Sở Tài chính, Sở GTVT phải yêu cầu các DN giảm giá cước, kiểm soát chặt mức phụ thu của DN vận tải. Các bến xe phải vận động hành khách tẩy chay, không đi xe những DN không giảm giá cước mặc dù giá xăng, dầu đã giảm mạnh.
Bình luận (0)