Th.S-KTS Phạm Trung Hiếu (ảnh), giảng viên Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, là người đoạt giải nhất trong cuộc thi thiết kế km số 0 của không gian hồ Gươm. Mốc biểu tượng này dự kiến đặt ngay tại khu vực không gian công cộng ở tượng đài Lý Thái Tổ, sát hồ Gươm. Ông đã trao đổi với Thanh Niên về không gian tượng đài, một loại không gian công cộng đặc biệt ở đô thị.
NVCC |
Ông đánh giá thế nào về không gian tượng đài, một không gian công cộng mà dường như chưa phát huy được hết giá trị?
Th.S-KTS Phạm Trung Hiếu: Không gian công cộng có thể có tượng đài hoặc không có tượng đài. Không gian công cộng tượng đài thì nên đặt ở nơi trang trọng, dễ nhìn. Các không gian tượng đài ở Hà Nội hiện nay hầu hết phần tượng đài đều không có tinh thần mới của thời đại. Nó dường như vẫn là nối dài của thẩm mỹ thời trước và có phần nặng nề. Không gian tượng đài là công trình công cộng đặc biệt, nếu có thể truyền được tinh thần thời đại sẽ dễ đi vào lòng người hơn, mọi người cảm nhận được nghệ thuật đi cùng dòng chảy xã hội hơn. Tượng đài công an vừa rồi gây xôn xao dư luận cũng là vì ngôn ngữ tạo hình cũ, quá cứng nhắc và nặng nề.
Ông có thể cho một ví dụ về không gian tượng đài rất ổn để người dân đến vui chơi, sinh hoạt cộng đồng?
Một trong những tượng đài sống động, vừa đóng vai trò tượng đài vừa đóng vai trò không gian công cộng phù hợp chính là tượng đài Lênin, đối diện cột cờ Hà Nội. Tượng đài được thiết kế với phần cảnh quan hài hòa. Mọi người vui chơi ở phía trước đôi khi mải chơi có thể quên mất có tượng đài phía sau, nhưng khi có sự kiện, chỉ cần tổ chức chiếu sáng, thì ngay lập tức nó lại đóng vai trò trang trọng ngay. Đấy là một trong những không gian tượng đài thành công trong vai trò không gian công cộng. Nó là một quy hoạch cảnh quan thành công, kết nối giữa tượng đài và không gian công cộng một cách hài hòa.
Tượng đài Lênin được đánh giá là không gian công cộng thành công |
Lưu Quang Phổ |
Một vài ví dụ về không gian tượng đài chưa ổn nữa, thưa ông?
Tượng đài Cảm tử ở gần hồ Gươm là một ví dụ tượng đài át không gian công cộng. Mọi người muốn tổ chức gì dưới chân tượng đài này cũng rất chật chội. Đấy là tượng đài nhốt không gian, nó cũng nhốt luôn cả đền Bà Kiệu phía đằng sau. Tượng đài Quang Trung ở gò Đống Đa bị lỗi quy hoạch là hơi khuất. Một ví dụ nữa về tượng đài bé là tượng đài Lê Thái Tổ. Tượng đó nhỏ đặt trong không gian rất xinh xắn, nhưng nó lại bị lỗi là cứ đóng cửa suốt ngày, khó đến gần. Một ví dụ khác là tượng đài công an nhân dân, nó chỉ là thiết kế độc lập tượng đài mà kém về thiết kế không gian đô thị. Kết quả là nó không hài hòa với không gian của đường phố.
Sát hồ Gươm có một không gian tượng đài khá đông người đến, và có các hoạt động sự kiện quan trọng được truyền hình trực tiếp là khu vực tượng đài Lý Thái Tổ. Ông đánh giá thế nào về không gian này?
Tượng đài Lý Thái Tổ đặc biệt vì mọi người vẫn coi đó là một bàn thờ tổ quốc, thành ra người ta ngăn không cho dân chúng vui chơi ở bậc cấp trên cùng sát với tượng đài. Đó là một tượng đài sạch sẽ, chỉn chu nhưng giới làm nghề vẫn thấy nó hơi cứng. Hiện cũng đang có phương án cải tạo không gian đó, để bớt tính cứng nhắc của nó đi. Phương án đang được dự kiến rất hay, sẽ làm các bậc cấp thế nào để người dân có thể tiếp cận tượng đài dễ dàng hơn.
Không gian công cộng là một khái niệm phương Tây đưa vào trong lý thuyết quy hoạch đô thị của châu Á và đặc biệt là của VN mình cũng học theo họ. Nhưng chúng ta chưa có tượng đài kết hợp với không gian công cộng một cách hài hòa để cộng sinh, đẩy nhau lên.
Tức là nếu không gian tượng đài chưa thu hút, lỗi không phải chỉ ở tượng, mà còn ở tổ chức không gian xung quanh phải không thưa ông?
Không thể bắt tượng đài gánh hết trách nhiệm được. Phải có tầm nhìn của các nhà lãnh đạo và quy hoạch về không gian công cộng, họ đặt ra một quy mô cho tượng đài rồi mới giao cho họa sĩ, nhà điêu khắc, người thiết kế. Nếu không có tầm nhìn đó mà chỉ giao nhà điêu khắc làm đi thì có thể dẫn đến chuyện nhà điêu khắc bảo nếu bé quá không thể hiện được đẳng cấp, tôi phải làm tượng thật to. Đã đến lúc, cần phải thoát khỏi lỗi nhìn tượng đài và không gian công cộng không gắn bó với nhau.
Xin cảm ơn ông!
Bình luận (0)