Quán quân chương trình Sing my song đã chia sẻ cùng Thanh Niên Online về hành trình mới khi trở lại cùng âm nhạc, sau thời gian "lặn mất tăm". Cao Bá Hưng cũng cho biết thêm, cùng sự yêu mến của khán giả, việc được biết đến là “cháu 7 đời của nhà thơ Cao Bá Quát” mang đến không ít “nỗi niềm”.
Không chọn con đường đại học
* Một trong những tác giả kịch bản của Phượng khấu là Tôn Thất Minh Khôi - hậu duệ của Võ vương Nguyễn Phúc Khoát - vị chúa thứ 8 của xứ Đàng Trong. Còn Cao Bá Hưng, một trong những tác giả có ca khúc trong phim, là cháu 7 đời của Cao Bá Quát - nhà thơ nổi danh của triều Nguyễn. Không biết có mối duyên nào đó đưa quán quân Sing my song mùa đầu tiên đến với nhạc phim Phượng khấu?
- Cao Bá Hưng: Ca khúc Kết duyên tơ hồng được em sáng tác cách đây 2 năm và đó là dự án tâm huyết của cả đội cho kế hoạch trở lại sắp tới của em. Cái duyên đến với phim Phượng khấu cũng rất tình cờ, trong một buổi cafe trò chuyện, em có dịp gặp gỡ đội ngũ của dự án Phượng khấu, em cũng chia sẻ là sắp tới sẽ phát hành MV cho ca khúc mới. Sau khi đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh nghe demo ca khúc Kết duyên tơ hồng thì ngỏ ý muốn sử dụng ca khúc làm nhạc phim. Bản thân em đã theo dõi và thích Phượng khấu từ lâu nên vui vẻ nhận lời ngay.
|
* Hầu như các thí sinh sau khi đăng quang cuộc thi tìm kiếm tài năng nào đó vẫn tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực của mình, vì sao Hưng chọn cách "rút lui"?
- Sau cuộc thi Sing my song, em dành 2 năm để tiếp tục theo đuổi việc học. Đến năm 2018 em đã kết thúc chương trình Trung Học Phổ Thông, vì thế bây giờ việc tập trung vào sự nghiệp âm nhạc không còn gặp cản trở nữa.
Hiện tại, em và những người đồng đội trong ê kíp đang khá bận rộn với những dự án âm nhạc mới để chuẩn bị cho sự trở lại của em, mà Kết duyên tơ hồng là một trong những ca khúc thuộc dự án âm nhạc này. Ngoài ra, em cũng đã và đang học thêm rất nhiều kỹ năng mới để không ngừng hoàn thiện bản thân. Sẽ sớm thôi, mọi người sẽ thấy một Bá Hưng trưởng thành hơn, tài năng hơn.
* Hưng vừa nói mình học thêm các kỹ năng, để tập trung vào con đường âm nhạc, mà không thấy nhắc đến việc theo học đại học?
- Đúng là em không chọn con đường đại học. Em thường lên mạng tìm những khoá học mình yêu thích, học từ những người thầy mà mình ngưỡng mộ. Ban đầu gia đình cũng không hoàn toàn ủng hộ quyết định này của em, nhưng khi thấy em quyết tâm học ngày học đêm trên... máy tính thì cũng đồng ý ạ (cười). Hiện tại em đang học nâng cao về "Hòa âm phối khí, sáng tác, sản xuất âm nhạc, sản xuất phim / ảnh...".
* Vậy khi trở lại với âm nhạc, đó sẽ là một Cao Bá Hưng thế nào?
- Em không muốn làm một màu sắc mãi đâu ạ! Mỗi ca khúc có một sứ mệnh của nó. Theo quan niệm của em, dòng nhạc chỉ là y phục của ca khúc. Sáng tác này hợp với dòng nhạc nào thì em sẽ khoác lên ca khúc bộ y phục đó. Vì vậy mà em học từ truyền thống đến rock, EDM, từ pop đến jazz...Trước đây em cũng từng làm rock và jazz hay EDM, chỉ là khán giả biết đến em nhiều khi làm dân gian - khi đến với cuộc thi Sing my song.
Mong được nhìn nhận như nghệ sĩ thực thụ
* Trở lại "ngày xưa" một chút, từ khi nào thì câu chuyện về gia phả nhà mình, với gốc gác là con cháu của cụ Cao Bá Quát, được Hưng biết đến?
- Câu chuyện về gia phả em đã luôn được nghe từ thuở còn bé. Đặc biệt là qua lời kể của ông nội, những tài liệu, sử sách có trong nhà...
Hiện nhà thờ tổ họ Cao đang được đặt tại Gia Lâm – Phú Thị - Hà Nội (cũng chính là quê nhà của cụ Cao Bá Quát). Hằng năm, dòng họ Cao đều có tổ chức gặp gỡ, giao lưu họp mặt giữa các gia đình với nhau. Bản thân em cũng đã từng tham gia một số dịp. Vào những ngày này, thành viên trong dòng họ từ khắp cả nước sẽ quy tụ về sum họp. Mọi người thắp hương khấn Tổ, trò chuyện, chia sẻ về cuộc sống, lịch sử và ăn uống…
|
* Việc em được biết đến là hậu duệ nhà thơ Cao Bá Quát từ Sing my song có mang đến những thuận lợi liên quan hoạt động văn hóa giải trí của mình?
- Khi biết Tổ tiên có những người tài năng, lỗi lạc như cụ Quát, em thấy rất ngưỡng mộ. Việc là người nối dõi cũng khiến em thấy tự hào, nhưng cũng không vì đó mà em đi khoe với người ngoài. Từ khi tham gia Sing my song, gốc gác dòng họ của em mới được nhiều người quan tâm tìm hiểu. Cũng chẳng biết tự bao giờ, cái danh xưng “cháu bảy đời của nhà thơ Cao Bá Quát” được người ta quan tâm nhiều đến như vậy.
Thật lòng mà nói, em không hề thích cái danh xưng đó chút nào. Em vẫn đang ngày đêm rèn luyện, học tập giỏi hơn nữa. Để đến khi quay trở lại sân khấu, mọi người sẽ nhớ đến em như một nhạc sĩ – nghệ sĩ thực thụ, chứ không phải là hậu duệ của một nhà thơ nổi tiếng.
Còn cái chất “thơ ca nhạc họa” trong em có thể cũng do may mắn được thừa hưởng từ Tổ tiên. Nhưng em sẽ không vì đó mà tự mãn, cho rằng mình hơn người, mà còn phải cố gắng nhiều hơn nữa để đáng mặt là con cháu, và cũng để mọi người thấy Cao Bá Hưng nỗ lực ra sao.
Ngoài phóng viên, em cũng nhận được không ít cuộc gọi từ những nhà nghiên cứu lịch sử khi muốn xác nhận thông tin lịch sử về dòng họ nhà em. Em thấy vui khi ai cũng biết đến cụ Quát, song cũng thấy buồn khi nhiều người cho rằng em lấy tiếng tăm của người đã khuất để trục lợi cho bản thân, dùng đó để “đánh bóng tên tuổi”.
* Sự thật về cái chết của cụ Cao Bá Quát cho đến nay vẫn còn là một nghi vấn, tồn tại nhiều giả thuyết khác nhau. Nhà Hưng có những nguồn tư liệu hay mật truyền nào về năm sinh, năm mất cũng như thông tin vì sao mất của cụ để “rộng đường” người quan tâm?
- Về cái chết của cụ Quát, giả thiết được nhiều người biết đến nhất có lẽ là câu chuyện bị triều đình (nhà Nguyễn lúc bấy giờ) bắt về chém đầu. Nhưng theo như lời ông nội em thì đó vẫn chưa phải toàn bộ câu chuyện. Theo ông em, năm đó, cụ Quát được một vị tướng giải cứu trước khi bị kết án tử hình. Sau khi thoát chết, cụ chạy trốn về miền Trung, thay tên đổi họ và không còn liên lạc với bên ngoài nữa. Ngoài ra, kế hoạch tru di tam tộc của triều đình năm đó cũng hoàn toàn thất bại.
|
Về năm sinh, năm mất của cụ Quát em cũng không dám chắc. Nhưng nếu có những bạn quan tâm nghiên cứu về lịch sử, có thề liên hệ với ông nội của em - Cao Bá Nghiệp, qua email: [email protected]. Ông hiện là một nhà văn, nhà nghiên cứ lịch sử về dòng họ các gia tộc Việt Nam. Có thể ông sẽ giúp được mọi người với những thắc mắc chuyên sâu hơn về lịch sử.
Hiện có những cuốn viết về tiểu sử nhà thơ Cao Bá Quát như: "Người làng Sủi kể chuyện Cao Bá Quát", "Tìm hiểu nguồn gốc dòng họ Cao Việt Nam"...2 cuốn này do ông nội em xuất bản gần đây nhất, hiện tại cũng không còn nhiều ở các nhà sách.
* Trong gia đình, ai là người truyền cảm hứng nhiều nhất cho Cao Bá Hưng để phát huy khiếu văn thơ nhạc họa của mình?
- Em được tiếp xúc với văn chương từ thuở còn bé qua những áng văn của Tổ tiên, gia đình. Nhưng đến năm 12 tuổi em mới thực sự bắt đầu đặt những nét bút đầu tiên cho sự nghiệp văn chương – thơ ca của mình. Người ảnh hưởng nhiều nhất đến phong cách sáng tác của em là... nhà thơ Nguyễn Du. Trong thơ ca, có 3 vị mà em kính trọng nhất, là: Cao Bá Quát, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến.
Nhà thơ Nguyễn Du luôn có cái nhìn đa chiều về mọi sự vật, hiện tượng, cách miêu tả cảm xúc của ông trong từng câu chữ cũng rất ấn tượng. Thơ của ông khi thì dạt dào, đôi lúc lại căm phẫn, có khi lại lả lơi…
Ngày trước, em có viết “Kiều”, bài hát kể về sự thương tâm của em đối với nàng Kiều hồng nhan mà bạc mệnh, cũng phần nào để bày tỏ nỗi lòng xót thương của em đối với nhà thơ Nguyễn Du.
Cảm ơn Hưng đã chia sẻ!
Bình luận (0)