Không hy sinh môi trường

21/04/2016 05:31 GMT+7

Tình trạng cá chết bắt đầu từ Hà Tĩnh đã lan rộng sang Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế... và chắc chắn vẫn chưa dừng lại nếu không nhanh chóng tìm ra nguyên nhân ô nhiễm, khoanh vùng và xử lý.

Tình trạng cá chết bắt đầu từ Hà Tĩnh đã lan rộng sang Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế... và chắc chắn vẫn chưa dừng lại nếu không nhanh chóng tìm ra nguyên nhân ô nhiễm, khoanh vùng và xử lý.

Ở một số tỉnh, kết quả phân tích mẫu nước, mẫu cá đã xác định nguyên nhân cá chết là do ô nhiễm nguồn nước. Điều này cũng không nằm ngoài những phán đoán ban đầu khi xảy ra hiện tượng cá chết ở Hà Tĩnh. Nhưng dù đã xác định nguyên nhân cá chết do "yếu tố gây độc trong nguồn nước" thì phần quan trọng hơn là nguồn nước bị gây độc từ đâu, các độc tố đó là gì, có thể nhiễm từ nguồn nào lại chưa có câu trả lời dù hiện tượng cá chết hàng loạt diễn ra đã gần 2 tuần nay. Sự chậm trễ này đang gây hoang mang trong dư luận. Nhiều người dân ở các địa phương này hiện không dám ăn cá biển vì sợ bị nhiễm độc. Trong khi đa số người nuôi cá ở Hà Tĩnh đang đặt nghi ngờ lên việc xả thải của các nhà máy xung quanh khu vực này...
Nghi ngờ này là có cơ sở bởi trước đây từng xảy ra nhiều vụ xả thải gây ô nhiễm nghiêm trọng và diễn tiến sự việc cũng khá tương đồng với hiện tượng cá chết đồng loạt ở nhiều tỉnh, thành hiện nay. Đó là vụ Công ty Vedan xả thải giết chết dòng sông Thị Vải (Đồng Nai) từng gây rúng động dư luận những năm trước. Sông Thị Vải có chiều dài khoảng 30 km, bắt nguồn từ H.Long Thành (Đồng Nai) chảy qua địa phận Bà Rịa-Vũng Tàu. Lưu vực sông này có nhiều khu công nghiệp lớn của Đồng Nai như Nhơn Trạch, Gò Dầu và tiếp nhận lượng nước thải công nghiệp lớn. Khi ấy, nước sông tại các vùng này bị ô nhiễm, cá cũng chết hàng loạt. Sau nhiều lần quan trắc, cộng với hành động xả chui hơn 100.000 m3 nước thải độc ra sông mỗi tháng bị phát hiện, kết quả khảo sát của Viện Môi trường - Tài nguyên TP.HCM cho thấy mức độ ô nhiễm sông Thị Vải do Công ty Vedan gây ra chiếm 80 - 90%, bán kính vùng ô nhiễm có phạm vi 10 km dọc bờ sông. Hậu quả là gần 2.700 ha nuôi trồng thủy sản của khu vực này bị thiệt hại. Sau nhiều tranh cãi, cuối cùng Vedan cũng phải nhận lỗi và bồi thường cho bà con nông dân bị thiệt hại.
Sau vụ Vedan, chúng ta còn phát hiện rất nhiều con sông bị bức tử vì ô nhiễm, vì bị chặn dòng làm thủy điện, vì người ta muốn lấp sông làm khu đô thị, dung túng cho các dự án không chấp hành các điều kiện về bảo vệ môi trường... Rất nhiều địa phương vì muốn lập thành tích thu hút vốn đầu tư, vì muốn tăng trưởng kinh tế đã bất chấp những hệ lụy về môi trường, kinh tế và xã hội để cấp phép cũng như dung túng cho những dự án và hành vi gây ô nhiễm. Nhưng cái giá phải trả cho việc này là hết sức đắt đỏ mà bài học trên thế giới có rất nhiều. Điển hình như Bắc Kinh (Trung Quốc). Cuối năm ngoái, thành phố này đã nâng mức báo động về ô nhiễm lên mức cao nhất, báo động đỏ. Nhiều trường học phải đóng cửa, 2.100 nhà máy phải tạm ngưng sản xuất, trẻ em và người già được khuyến cáo ở trong nhà vì chất lượng không khí bị đánh giá là ở mức "nguy hiểm". Nguyên nhân cũng là từ nhiều năm trước đó, chính quyền Bắc Kinh chỉ chú trọng đến tỷ lệ tăng trưởng mà không quan tâm khía cạnh môi trường. Đặc biệt chính sách phát triển tràn lan ngành nhiệt điện than, nguồn phát thải chủ yếu khí độc hại CO2. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), trên thế giới hiện nay sản lượng nhiệt điện than hiện chiếm khoảng 40% tổng điện năng. Tỷ lệ này ở Mỹ là 39%, chỉ riêng hai nước Trung Quốc và Ấn Độ chiểm kỷ lục với con số trên 65%. Đến nay Trung Quốc là quốc gia có lượng khí thải carbon gây ô nhiễm cao nhất thế giới.
Chế tài nghiêm, mạnh với các hành vi gây ô nhiễm; giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định về môi trường ngay từ khi cấp phép dự án. Đã đến lúc VN phải kiên quyết nói không với việc hy sinh môi trường để phát triển kinh tế, bảo vệ sức khỏe người dân và thực hiện chiến lược chuyển đổi mô hình tăng trưởng xanh bền vững theo xu thế của thế giới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.