Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hiện nay đang có một bộ phận không khí lạnh di chuyển xuống miền Bắc nước ta.
Dự báo, khoảng gần sáng và ngày 1.10, không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến khu vực Đông Bắc bộ, sau đó ảnh hưởng đến hầu hết khu vực Tây Bắc bộ, Bắc Trung bộ và một số nơi ở Trung Trung bộ. Gió chuyển hướng đông bắc trong đất liền cấp 3, vùng ven biển cấp 4 - cấp 5.
Miền Bắc mưa trên 200 mm, đề nghị 26 tỉnh thành ứng phó
Trong đợt không khí lạnh này, ở khu vực miền Bắc và phía bắc miền Trung trời chuyển mát; đêm và sáng sớm trời lạnh, riêng vùng núi trời rét. Nhiệt độ thấp nhất ở miền Bắc và Thanh Hóa phổ biến từ 19 - 22 độ C, vùng núi 17 - 19 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 16 độ C; ở Nghệ An - Hà Tĩnh nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 20 - 23 độ C.
Từ trưa 1.10, ở vịnh Bắc bộ gió đông bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7 - cấp 8; biển động; sóng biển cao từ 1,5 - 2,5 m.
Ngoài ra, từ chiều tối và đêm 29 - 30.9, ở khu vực Bắc bộ và Thanh Hoá có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và giông với lượng mưa phổ biến 40 - 120 mm, có nơi trên 200 mm.
Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Mưa giông kèm theo các hiện tượng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng.
Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc. Gió mạnh và sóng lớn trên biển có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của tàu thuyền và các hoạt động khác.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của mưa lớn, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt, Bộ NN-PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Bắc và Thanh Hóa theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo mưa lớn, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh, nguy cơ ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
Cạnh đó, triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động khơi thông dòng chảy; chủ động di dời, sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở.
Bình luận (0)