Như Thanh Niên đã đưa tin, trưa 7.3, có 6 người tại cơ sở nhôm kính Trung Kiên (số 478 Tôn Đức Thắng, xã An Đồng, huyện An Dương) bị ngộ độc bất thường sau bữa ăn.
Theo bà Nguyễn Thị Nguyệt, giúp việc tại cơ sở này thì sáng 7.3, bà ra vườn rau tự trồng ven đường hái rau diếp về chuẩn bị bữa cơm trưa. Sau khi ăn, bà Nguyễn Thị Thanh Tú (57 tuổi, chủ cơ sở), anh Lê Khắc Tiệp (34 tuổi, con bà Tú) cùng 3 công nhân và bà Nguyệt có biểu hiện ngộ độc, phải vào cấp cứu tại Bệnh viện Việt Tiệp (TP.Hải Phòng). Trong khi đó, phần rau còn lại héo rũ, nghi bị phun thuốc diệt cỏ.
Cơ quan Cảnh sát điều tra sau đó đã vào cuộc điều tra và xác minh: khoảng 17 giờ ngày 6.3, ông Đỗ Danh Biên (66 tuổi) và con trai Đỗ Hoàng Long (25 tuổi) đều ngụ số 494 Tôn Đức Thắng, xã An Đồng, huyện An Dương dùng bình xịt có chứa dung dịch thuốc diệt cỏ phun vào khu đất trồng rau của gia đình bà Nguyễn Thanh Tú. Ngày 7.3, bà Nguyệt đã hái rau ở khu đất trên về cho mọi người ăn, dẫn đến việc những người nói trên, bị đau bụng, nôn mửa phải vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cấp cứu.
tin liên quan
Phun thuốc diệt cỏ vào vườn rau của hàng xóm làm 6 người ngộ độcCông an H.An Dương (TP.Hải Phòng) đang điều tra vụ việc 6 người là công nhân cơ sở nhôm kính Trung Kiên (478 Tôn Đức Thắng, xã An Đồng, H.An Dương) bị ngộ độc bất thường.
Tuy nhiên, tại các bản kết luận giám định pháp y của Trung tâm pháp y Hải Phòng về thương tích đối với 6 nạn nhân nói trên thì không tìm thấy thuốc diệt cỏ Paraquat, không tìm thấy thuốc trừ sâu; khi giám định nạn nhân chưa thấy di chứng do ngộ độc để lại, nên chưa có căn cứ đánh giá tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể. Bên cạnh đó, tại bản kết luận giám định số 1164 ngày 30.3.2017 của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an kết luận: "Trong mẫu nước tiểu và mẫu máu của bà Tú, bà Nguyệt và 4 người khác đều không tìm thấy Paraquat và các thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ thường gặp". Do đó, Công an huyện An Dương đã ra quyết định số 149 ngày 20.5 thông báo không khởi tố vụ án hình sự này, vì hành vi của ông Đỗ Danh Biên và Đỗ Hoàng Long không đủ căn cứ cấu thành tội phạm.
Trả lời báo chí, thượng tá Phạm Đình Thanh, Phó trưởng Công an huyện khẳng định cơ quan chức năng làm đầy đủ các thủ tục theo quy định, kết luận đúng pháp luật. Tuy nhiên, Cơ quan CSĐT Công an huyện An Dương cũng cho biết, nếu các bên có yêu cầu giải quyết về bồi thường trách nhiệm dân sự thì đề nghị gửi đơn đến TAND huyện An Dương để được giải quyết.
Trao đổi với Thanh Niên, bà Nguyệt cho biết, mình và các nạn nhân khác rất bất ngờ vì kết luận của cơ quan công an, đồng thời rất thất vọng với thái độ của bố con ông Biên. “Từ khi xảy ra vụ việc, bố con ông Biên không hỏi han đến các nạn nhân. Thậm chí còn có thái độ thách thức chúng tôi. Trong khi đó, chúng tôi mất tiền bạc, sức khỏe vì việc làm của bố con ông ấy. Tôi sẽ kiện ra tòa dân sự”. Được biết bà Nguyệt là nạn nhân bị nặng nhất trong vụ ngộ độc. Sau khi cấp cứu ở Bệnh viện Việt Tiệp, bà Nguyệt được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai (TP.Hà Nội) điều trị 2 tháng. Bà Nguyệt cho biết phải chi phí hàng trăm triệu đồng vì vụ ngộ độc này.
Bình luận (0)