Thị phần bán thuốc online tăng không ngừng
Theo đánh giá của chuyên gia thuộc Hội Tin học y tế Việt Nam, ước tính thị trường thuốc giao dịch theo hình thức trực tuyến, kinh doanh online tại Việt Nam trong 2024 đạt khoảng 5 - 8% thị phần bán thuốc và đang tăng trưởng không ngừng.
Đáng lưu ý, theo chuyên gia này, có nhiều hình thức trá hình cho việc bán thuốc online để xóa dấu vết. Ví dụ như các chuỗi nhà thuốc đang cho mua thuốc chọn thuốc trên website của mình và nếu là kê đơn thì gọi điện cho khách giao dịch trực tiếp và giao hàng. Một số ứng dụng di động khi khách chọn thuốc sẽ giới thiệu khách với một nhà thuốc và nhà thuốc sẽ gọi điện thoại tư vấn điện thoại rồi giao xe ôm giao hàng nếu khách muốn mua… và nhiều hình thức khác.
Theo chuyên gia này, người dân thấy tiện lợi khi mua thuốc giao hàng tại nhà, tiết kiệm chi phí đi lại, tiết kiệm thời gian và đây cũng là thói quen khi họ đang mua online tất cả các đồ thiết yếu cho cuộc sống. Thói quen này càng thúc đẩy thị trường dược phẩm online nhưng đòi hỏi loại hình kinh doanh này cần được quản lý chặt chẽ để giảm thiểu các rủi ro cho người dùng.
Về sự cần thiết của việc luật hóa và quản lý bán thuốc online, chuyên gia này nhấn mạnh: "Cần triển khai ngay để cơ quan quản lý nhà nước quản được một cách thực sự các hoạt động này tránh tình trạng vẫn chui lủi bán online mà không biết hoặc vô cùng khó bắt, khó phát hiện".
Kinh doanh dược trực tuyến phải là cơ sở có pháp nhân hiện hữu
Theo Cục Quản lý dược, mua - bán hàng online đã trở thành xu hướng và là sự lựa chọn của nhiều người, trong đó bao gồm cả mặt hàng là thuốc chữa bệnh.
Một số nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy, số lượng người tiêu dùng kết nối trong năm 2015 là 23 triệu người và con số này được dự đoán là 40 triệu người trong năm 2025. Kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử là phương thức kinh doanh mới, là xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ số.
"Với xu hướng này, chúng ta cần bổ sung, xây dựng hành lang pháp lý đối với phương thức kinh doanh trên trong lĩnh vực dược để tránh khoảng trống pháp lý đối với vấn đề này. Nhưng với dược phẩm, buộc phải kinh doanh trên sàn thương mại điện tử hợp pháp, không phải là bán hàng online, livestream như các giao dịch với hàng hóa thông thường", một lãnh đạo Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết.
Theo Cục Quản lý dược, luật Dược sửa đổi đã đề xuất bổ sung quy định yêu cầu một cơ sở kinh doanh dược muốn thực hiện thương mại điện tử phải được đánh giá cụ thể điều kiện về cơ sở vật chất, nhân sự, hồ sơ tài liệu và phải được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược. Nghĩa là, đây phải là một cơ sở kinh doanh hiện hữu, đã được cấp phép kinh doanh theo phương thức truyền thống. Bán hàng trực tuyến chỉ là một hoạt động được thực hiện song song với bán hàng truyền thống.
Do đó, dù kinh doanh theo phương thức truyền thống hay kinh doanh trực tuyến, cơ sở vẫn phải tuân thủ các quy định chung. Cơ sở bán lẻ thuốc phải cung cấp thông tin cho khách hàng về thuốc và tư vấn sử dụng thuốc.
Tại dự thảo đã có quy định cơ sở khi kinh doanh theo thương mại điện tử có trách nhiệm: đăng tải, cung cấp thông tin về giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược của cơ sở, thông tin về thuốc; phải tổ chức tư vấn, hướng dẫn cách sử dụng thuốc trực tuyến theo đúng quy định của pháp luật cho người mua thuốc và tổ chức thực hiện hoạt động vận chuyển thuốc đến người mua theo quy định; thông báo tới cơ quan sở y tế trước khi thực hiện bán hàng theo phương thức thương mại điện tử.
"Đây là một chính sách mới, dự kiến, giai đoạn đầu, dự thảo luật Dược sửa đổi quy định chỉ cho phép bán lẻ các thuốc thông thường, thuộc danh mục thuốc không kê đơn mà không phải là thuốc phải kiểm soát đặc biệt; thuốc, nguyên liệu làm thuốc được bán buôn sẽ thuộc danh mục các thuốc, nguyên liệu không phải kiểm soát đặc biệt", đại diện Cục Quản lý dược cho biết.
Để đảm bảo công tác cung ứng thuốc cho người bệnh được liên tục, dự thảo cũng quy định trường hợp đặc biệt khi có cách ly y tế khi có bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A đã được công bố dịch theo quy định của pháp luật về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, cơ sở được phép bán thuốc kê đơn.
Sau quá trình triển khai, cơ quan chủ trì sẽ đánh giá, rà soát lại để xem xét có điều chỉnh các chính sách này trong trường hợp cần thiết.
3 nhóm vấn đề quan trọng nhất của bán dược phẩm online cần được quản chặt là:
Đảm bảo người mua có đơn thuốc hợp pháp (đơn thuốc có thật, đơn chưa mua, đơn còn hiệu lực).
Đảm bảo cơ sở bán thuốc là cơ sở được cấp phép cơ sở bán lẻ thuốc đạt chuẩn GDP như quy định chứ không phải ai ai cũng có thể là người bán.
Đảm bảo quy trình giao hàng trong phạm vi và thời gian cho phép để thuốc không bị hỏng do bảo quản hay nhiệt độ.
Bình luận (0)