Không kiểm tra, đánh giá học sinh vượt quá yêu cầu chương trình

06/11/2024 17:06 GMT+7

Để việc kiểm tra đánh giá học sinh được thực hiện công bằng, minh bạch và đúng quy định, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có những lưu ý cụ thể đến các trường về việc tổ chức, biên soạn đề kiểm tra và trách nhiệm của hiệu trưởng trong công tác này.

Không kiểm tra, đánh giá học sinh vượt quá yêu cầu chương trình- Ảnh 1.

Học sinh trường THPT tại quận 1, TP.HCM ôn bài chuẩn bị cho đợt kiểm tra

ẢNH: BÍCH THANH

Theo quy định về kế hoạch thời gian năm học, sau tuần thứ 8 của năm học 2024-2025, tức từ thời điểm này, học sinh sẽ lần lượt bước vào giai đoạn thực hiện các bài kiểm tra đánh giá giữa kỳ và cuối kỳ để kết thúc trước ngày 4.1.2025. Để việc kiểm tra đánh giá học sinh được thực hiện công bằng, minh bạch và đúng quy định, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có những lưu ý cụ thể đến các trường về việc tổ chức, biên soạn đề kiểm tra và trách nhiệm của hiệu trưởng trong công tác này.

Theo đó, căn cứ trên kế hoạch, quy chế kiểm tra, đánh giá của nhà trường và tổ nhóm chuyên môn, phân công giáo viên xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá cho các lớp, khối lớp được phụ trách. Công khai cho học sinh số lần, số điểm, hình thức kiểm tra, đánh giá, cách thức chọn lựa kết quả kiểm tra, đánh giá…

Sở GD-ĐT lưu ý việc kiểm tra đánh giá học sinh phải được thực hiện công bằng, minh bạch và đúng quy định. Hiệu trưởng tăng cường giám sát trong công tác kiểm tra đánh giá học sinh, thực hiện công tác kiểm tra nội bộ nhà trường đối với hoạt động kiểm tra, đánh giá để điều chỉnh kịp thời các sai sót. Bên cạnh đó cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm máy tính trong tổ chức.

Về các phương pháp và hình thức kiểm tra, đánh giá, Sở GD-ĐT yêu cầu các trường phải xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá phù hợp với kế hoạch dạy học; không kiểm tra, đánh giá vượt quá yêu cầu Chương trình GDPT 2018. Thực hiện có hiệu quả các hình thức, phương pháp kiểm tra đánh giá. Hình thức, cấu trúc đề kiểm tra (tự luận, trắc nghiệm, trắc nghiệm kết hợp tự luận, tỷ lệ các mức độ câu hỏi…) do hiệu trưởng quyết định sau khi họp thống nhất với tổ chuyên môn, đảm bảo được đánh giá, phân loại học sinh theo quy định.

Khuyến khích các trường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ngân hàng đề kiểm tra. Đối với các môn học, hoạt động giáo dục đánh giá bằng nhận xét, khuyến khích thực hiện việc kiểm tra, đánh giá định kỳ thông qua bài thực hành, dự án học tập phù hợp với đặc thù môn học, hoạt động giáo dục. Việc đổi mới phương pháp, hình thức kiểm tra, đánh giá phải bảo đảm yêu cầu về tính trung thực, khách quan, công bằng, đánh giá chính xác kết quả học tập và rèn luyện của học sinh.

Đối với môn lịch sử, địa lý (cấp THPT), lịch sử và địa lý (cấp THCS), chuyên viên Phòng Giáo dục trung học của Sở hướng dẫn giáo viên tăng cường các câu hỏi nhằm khai thác, sử dụng các nguồn sử liệu, tranh ảnh, lược đồ, bản đồ, câu hỏi mở nhằm tạo điều kiện cho học sinh biểu đạt chính kiến của mình; hướng tới đánh giá phẩm chất và năng lực học sinh, khắc phục tình trạng ghi nhớ một cách máy móc.

Trước khi kiểm tra đánh giá, Sở GD-ĐT yêu cầu giáo viên và nhà trường cần xác định được mục tiêu năng lực cần kiểm tra đánh giá, đảm bảo phù hợp mục tiêu giáo dục của nhà trường và của môn học hoặc hoạt động giáo dục. Xác định hình thức kiểm tra, đánh giá phải đáp ứng được yêu cầu về phát triển năng lực của học sinh.

Căn cứ chuẩn kiến thức, kỹ năng trong chương trình và hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung, không kiểm tra những nội dung vượt quá yêu cầu hoặc mức độ cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông. Đặc biệt, cán bộ phụ trách chuyên môn của Sở GD-ĐT lưu ý các trường không kiểm tra vào các nội dung phải thực hiện tinh giản và phần hướng dẫn học sinh tự học, tự làm, tự thực hiện; những nội dung yêu cầu học sinh thực hành, thí nghiệm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.