‘Không kiểm tra doping giải quốc nội, HLV có thể áp lực thành tích mà làm liều’

16/09/2022 15:12 GMT+7

Một lãnh đạo Liên đoàn cử tạ - thể hình Việt Nam cho hay, ở Việt Nam hiện tại, công tác phòng chống doping mới dừng ở mức ‘cổ điển’ là tuyên truyền, giáo dục VĐV.

“Công tác quản lý VĐV của chúng ta còn lơ là. Điển hình như trường hợp á quân cử tạ ASIAD 2018 Trịnh Văn Vinh bị dính doping năm 2019 với lý do tự đi tiêm thuốc trị đau lưng mà ban huấn luyện của đơn vị không hề hay biết. Ngoài ra, việc trang bị kiến thức phòng chống doping cho các VĐV thoạt nghe thì dễ nhưng thực tế lại khó. Danh mục thuốc cấm của WADA (Cơ quan phòng chống doping thế giới) có đấy những VĐV và ngay cả HLV Việt Nam cũng không nắm rõ thành phần những chất này có trong loại thực phẩm gì, nước uống gì để phòng tránh bởi họ tập trung cho chuyên môn là chủ yếu”, lãnh đạo này cho biết.

Điền kinh Việt Nam đang dính đến bê bối lớn

HOÀNG QUÂN

Nhiều HLV kỳ cựu của thể thao Việt Nam cho rằng, vấn đề lớn nhất đối với công tác phòng chống doping ở Việt Nam là thiếu đội ngũ cán bộ chuyên ngành để tham gia công tác phòng chống doping trong nước. Chi phí xét nghiệm doping ở nước ngoài tốn kém trong khi ở Việt Nam chưa tự xét nghiệm doping, vì thế các giải đấu trong nước không tiến hành kiểm tra doping. Từ đó không kiểm soát được là VĐV có sử dụng chất cấm trong thi đấu các giải trong nước hay không.

Sự việc 6 VĐV thể hình bị phát hiện sử dụng chất cấm trước SEA Games 31 (và đã bị loại khỏi đội tuyển, không được dự đại hội), đều xuất phát từ việc sử dụng thực phẩm chức năng có chất cấm. Điều này cho thấy ngành thể thao không thể chỉ dừng ở việc tuyên truyền mà còn phải giám sát thông qua các đợt kiểm tra doping hàng quý, kiểm tra theo từng giải.

“Một khi các giải đấu trong nước không có kiểm tra doping, một số VĐV, HLV có thể vì áp lực thành tích mà nhắm mắt làm liều dẫn đến hậu quả lớn là bị phát hiện khi thi đấu quốc tế. Vì thế hơn lúc nào hết, Việt Nam cần chú trọng công tác phòng chống doping bằng việc xây dựng đội ngũ chuyên ngành và sớm có ngay trung tâm kiểm tra doping trong nước”, một cựu HLV thể hình cho biết.

Tại Việt Nam, tuy có trung tâm phòng chống doping trong thể thao nhưng lại chưa có phòng xét nghiệm đủ tiêu chuẩn quốc tế, được WADA công nhận. Do đó, trước SEA Games 31, Ban tổ chức đã phải tiến hành công tác xã hội hóa, ký hợp đồng với một doanh nghiệp để có kinh phí hỗ trợ xét nghiệm doping ở nước ngoài (Việt Nam đã chọn Thái Lan thay vì Qatar do chi phí rẻ hơn một chút).

Ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, cho hay: “Việt Nam đặt ra mục tiêu tổ chức một kỳ đại hội sạch. Việc xảy ra liên quan đến một vài VĐV có kết quả xét nghiệm mẫu A dương tính với doping cũng là một vấn nạn mà thể thao thế giới vẫn hay vấp phải. Đặt ra cho chúng ta những bài học quý giá”.

Nói lại về 6 trường hợp VĐV thể hình bị loại khỏi danh sách dự SEA Games 31 vì dùng doping, một lãnh đạo ngành cho hay, nếu VĐV không sử dụng thực phẩm chức năng thì khó có thành tích nhưng thực trạng là nhiều loại thực phẩm chức năng lại có chứa chất cấm mà HLV hay VĐV đôi khi không thể nắm bắt hết được. Vị này nói: “Tôi đã từng cầm những sản phẩm thực phẩm chức năng mà do mình hiểu biết nên thấy ngay có chất cấm. Chỉ có những loại thực phẩm chức năng chuẩn mới không có thành phần chứa chất cấm nhưng có lẽ hỏi VĐV, họ cũng không biết đâu là loại chuẩn khi thị trường bán bao la, không có cơ quan nào kiểm duyệt thành phần. Có khi HLV cũng không nắm được nên khi VĐV uống, cũng không cấm đoán. Nhiều VĐV thể hình lại tập tại các cơ sở ở ngoài mà không phải là trung tâm dành cho VĐV quốc gia. Do đó, việc quản lý VĐV càng trở nên khó khăn, khó kiểm soát được họ dùng những loại thức ăn gì, thực phẩm thế nào và liệu những thực phẩm này có chất doping không”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.