Không kiểm tra miệng có đúng quy định?

18/09/2023 07:15 GMT+7

Bên cạnh sự đồng tình trước yêu cầu không gọi học sinh kiểm tra miệng theo kiểu bất chợt, nhiều ý kiến lo ngại điều này có phạm vào quy định các bước lên lớp của một giờ giảng truyền thống?

LỰA CHỌN NHIỀU GIẢI PHÁP KHÁC

Giáo viên Lâm Vũ Công Chính, Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), cho biết kiểm tra bài cũ, nhắc lại kiến thức đã học là một phần không thể thiếu trong tiến trình bài dạy của một tiết học. Vì kiến thức là tiếp nối, trước khi dạy kiến thức mới thì giáo viên (GV) cần ôn tập, nhắc nhở, kiểm tra sự tập trung, nhận biết kiến thức của học sinh (HS). GV cần thực hiện việc giao bài, giao nhiệm vụ cho HS và kiểm tra kết quả, quá trình thực hiện của HS.

Tuy nhiên ngoài cách trả bài miệng như từ trước tới nay thì thầy cô có thể lựa chọn những giải pháp khác. Không nhất thiết phải "khảo bài" đầu giờ mà có thể đan xen câu hỏi trong tiết dạy. Hay có thể là áp dụng công nghệ số vào giảng dạy đang được triển khai ở các trường học. Trong đó có ứng dụng trên hệ thống trực tuyến LMS, GV có thể giao nhiệm vụ trên hệ thống, HS có thể thực hiện ở nhà trước khi đến lớp và GV cũng có thể dễ dàng kiểm tra kết quả của từng HS.

Không kiểm tra miệng có đúng quy định?  - Ảnh 1.

Ngoài cách trả bài miệng như từ trước tới nay, giáo viên có thể lựa chọn những giải pháp khác để kiểm tra kiến thức học sinh

ĐÀO NGỌC THẠCH

Bà Nguyễn Đoan Trang, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM), nói thêm, tùy theo môn học, theo phân bổ số tiết mà HS có các cột điểm đánh giá thường xuyên, từ 2 - 4 cột điểm. Theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018, GV phải đổi mới, thay vì kiểm tra kiến thức như trước đây thì chuyển sang đánh giá năng lực HS. Vì vậy, hình thức kiểm tra miệng không còn phù hợp mà có nhiều hình thức khác. Khi thực hiện nội dung đánh giá này, GV có thể sử dụng nhiều hình thức như hỏi đáp trực tiếp hoặc viết hay thực hiện sản phẩm học tập, đánh giá quá trình học tập… Tùy giáo viên lựa chọn, xây dựng kế hoạch phù hợp, phân hóa đối tượng sao cho phù hợp chứ không có duy nhất hình thức kiểm tra miệng vào đầu giờ.

LINH HOẠT VỚI TỪNG CẤP HỌC

Thầy Lê Văn Nam, GV hóa học Trường THPT Trần Văn Giàu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, cũng cho rằng kiểm tra bài cũ đầu giờ đã trở thành một phần quan trọng của quá trình dạy và học. Tuy nhiên, mỗi GV cần cân nhắc cách thức thực hiện kiểm tra này để đảm bảo hiệu quả cho từng cấp học khác nhau. Bởi kiểm tra bài cũ, kiểm tra miệng đầu giờ có chung mục tiêu cuối cùng là không để HS lười học, đảm bảo việc kiểm tra giúp các em phát triển ý thức tự học và tư duy sâu hơn. "Không phải bỏ kiểm tra bài đầu giờ, điều GV cần làm là thay đổi cách thức thực hiện để tạo môi trường học tập thú vị và không căng thẳng cho HS", thầy Nam chia sẻ.

Theo thầy giáo Lê Văn Nam, ở cấp tiểu học, HS đang trong quá trình xây dựng nền tảng căn bản cho việc học tập và phát triển kỹ năng liên quan đến ý thức chuẩn bị cho bài học mới. Nhiều thầy cô giáo không kiểm tra miệng đầu giờ với học trò tiểu học, thay vào đó cho các học trò hát, chơi trò chơi, từ đó tạo ra một môi trường học tập thoải mái hơn, giúp các em tập trung vào việc xây dựng sự hiểu biết cơ bản và khám phá sự thú vị của kiến thức.

Không kiểm tra miệng có đúng quy định? - Ảnh 2.

Kiểm tra bài cũ qua các trò chơi là cách mà nhiều giáo viên đang sử dụng

NHẬT THỊNH

Tuy nhiên, theo thầy Lê Văn Nam, khi học trò bước vào cấp học cao hơn như THCS, THPT thì việc duy trì kiểm tra bài cũ đầu giờ có sự cần thiết. Điều này không chỉ là để đánh giá kiến thức của HS mà còn để đo lường ý thức tự học, tự tìm hiểu của HS. Kiểm tra bài cũ đầu giờ sẽ giúp GV phát hiện ra những lỗ hổng trong kiến thức của những nội dung đã truyền tải của tiết học trước. Song, không phải là "kêu bất chợt, hỏi bất thình lình", như thầy Nam có thể giao nội dung một bài học trong sách giáo khoa, tiết sau HS sẽ thuyết trình theo nhóm từ 6-8 bạn để lấy điểm kiểm tra miệng. Đây cũng là cách giáo dục các học trò nhiều kỹ năng như làm việc nhóm, thuyết trình, tư duy phản biện…

Một GV toán bậc THCS tại TP.HCM cho rằng kiểm tra đầu giờ không hẳn là xấu, mà tùy cách làm, bởi đây như một cách động viên các HS học bài, trình bày lại kiến thức đã học hôm trước. Trong thực tế giảng dạy, GV này cho hay rất nhiều học trò cũng thích được phát biểu trước cả lớp. "Song, điều cần quan tâm là ứng xử của GV. Học trò không thuộc bài thì GV sẽ làm như thế nào? Các thầy cô sẽ nhắc nhở, động viên các em lần sau cố gắng hơn hay phạt các em thật nặng, đó mới chính là cách làm tạo áp lực tiêu cực cho học sinh", thầy giáo dạy toán nêu quan điểm.

Không kiểm tra miệng Thầy giáo trả bài bằng cách ‘order’

Tống Nguyễn Thanh Vân, HS lớp 8 Trường THCS An Phú Đông, Q.12, TP.HCM, cho biết muốn GV kiểm tra các kiến thức trọng tâm trong bài cũ, ngoài ra thêm vài câu mở. Với cách làm như vậy, GV sẽ biết học lực các bạn trong lớp như thế nào, bạn nào tập trung nghe giảng, bạn nào không. "Em rất thích và mong muốn GV có thể mở rộng thêm những câu hỏi bên ngoài với những kiến thức thú vị, khuyến khích HS đọc sách, tìm tòi để có thể trả lời và nhận được sự khích lệ từ các thầy cô giáo", nữ sinh lớp 8 nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.