Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (ảnh), chuyện các bộ, ngành, địa phương đùn đẩy việc cho Thủ tướng thực ra không phải là chuyện mới có gần đây mà đã diễn ra từ hàng chục năm nay rồi.
Ảnh: Ngọc Thắng |
Nguyên nhân thứ nhất của tình trạng này là cán bộ cấp dưới không đủ năng lực cho nên việc gì cũng phải thỉnh thị cấp trên, mặc dù những việc đó đã được giao vào phạm vi thẩm quyền của mình.
Thứ hai, đây là một kiểu đùn đẩy trách nhiệm, không muốn đứng mũi chịu sào. Đẩy trách nhiệm lên cấp cao nhất về hành chính là để tạo ra một lá chắn, không sợ bị ai tấn công cả. Nguyên nhân thứ ba là do kỷ luật hành chính của chúng ta không nghiêm.
Thực sự những vụ việc ví dụ như vụ 8B Lê Trực thì Thủ tướng không cần phải nhắc. Việc đã rõ ràng như thế rồi mà không làm được thì cách chức thôi. Và như thế lần sau anh khác sẽ không dám đùn quyết định lên Thủ tướng nữa hoặc để Thủ tướng phải giục nữa. Tôi cũng cho rằng từ nay Thủ tướng không nên đứng ra quyết định thay cho cấp dưới của mình. Nếu họ không làm được thì có thể cho nghỉ.
Gặp khó thì lẩn tránh
* Liên quan tới câu chuyện đùn đẩy trách nhiệm nói trên, có ý kiến cho rằng do cơ chế hiện nay, việc phân công nhiệm vụ, giữa cá nhân và tập thể không rõ ràng, dẫn tới việc khó quy trách nhiệm cho cá nhân, Thủ tướng có muốn cách chức cấp dưới làm sai hoặc không chịu làm việc cũng khó?
- Ở nước ta, tình trạng cá nhân trốn trách nhiệm vào tập thể rất phổ biến. Giải thích là không có phân công rõ ràng thì không phải. Ở bất cứ cơ quan nào, từ địa phương đến T.Ư, người đứng đầu vẫn là người có ý kiến quyết định; và trong mỗi lĩnh vực công tác thì người có ý kiến quyết định là người được người đứng đầu ủy quyền. Bản thân các quy định của Đảng, Nhà nước đã giao trách nhiệm cho người đứng đầu rồi thì họ phải là người chịu trách nhiệm về toàn bộ công việc của cơ quan, địa phương mình phụ trách. Vả lại, ở các cơ quan từ cấp thấp nhất lên T.Ư, khi bí thư đã quyết, thường vụ cũng nghe theo, chủ tịch đã quyết thì ủy ban cũng đồng tình, chứ không có mấy ai cãi lại.
Ở nhiều nơi, lúc cần phát huy quyền lực để mưu lợi cá nhân thì một mình người có quyền quyết hết, có cần gì ai đâu. Nhưng khi gặp việc khó, họ lại tìm cách lẩn vào tập thể hoặc dựa vào cấp trên để trốn tránh trách nhiệm. Việc đổ trách nhiệm cho tập thể hoặc cấp trên như vậy rõ ràng là không đúng, cho nên nếu xảy ra sai phạm thì phải thẳng thắn xử lý, kỷ luật người đứng đầu. Còn trường hợp cả cấp ủy làm sai, quyết sai thì cấp ủy đó cũng phải bị kỷ luật chứ không phải tập thể quyết là trốn tránh được kỷ luật.
* Ngoài những nguyên nhân như GS nói, dư luận cho rằng, việc các địa phương, các bộ ngành đùn đẩy trách nhiệm cho Thủ tướng xử lý còn do quá trình cấp phép dự án hay triển khai công trình, kế hoạch nào đó thường có chuẩn thuận ngầm của cấp trên. Một khi đã có tiêu cực thì việc xử lý sai phạm càng khó khăn. Ông nghĩ sao về nhận định này?
- Nói thật là nhiều vụ ở nước mình cũng na ná như chuyện Tôn Ngộ Không đánh yêu quái trong Tây du ký. Nhiều anh tác oai, tác quái ở dưới lại có dây mơ, rễ má với bên trên cho nên cấp dưới muốn xử lý không dễ, đành phải đùn lên trên. Cũng có trường hợp cấp trên quyết thay cho cấp dưới. Nếu ông cấp trên thống nhất với doanh nghiệp rồi, ông ấy phê cho một chữ vào góc, hoặc gọi điện xuống “giúp đỡ thằng này nhé” thì ở dưới không thể không làm, biết sai cũng chả dám cãi. Lúc đó cấp dưới làm sao giải quyết được. Cho nên chuyện đùn đẩy lên trên đúng là phải nhìn cả hai chiều. Để giải quyết tình trạng này, trên phải nghiêm. Bởi không nghiêm thì rất khó xử lý cấp dưới.
* Nhưng để làm được như ông nói phải phân quyền, tăng quyền cho người đứng đầu, ví dụ Thủ tướng có quyền trực tiếp hơn với các địa phương, như được quyền cách chức chủ tịch tỉnh làm sai thay vì phải chờ quyết định của T.Ư?
- Luật Tổ chức Chính phủ, luật Tổ chức hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân và luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện nay đều đã có quy định về quyền của Thủ tướng phê chuẩn và cách chức chủ tịch UBND tỉnh. Nhưng trên thực tế, công tác cán bộ là công tác của Đảng, cho nên việc bổ nhiệm, miễn nhiệm các vị đứng đầu tỉnh đều do Ban Bí thư hoặc T.Ư duyệt, Thủ tướng muốn xử lý cũng rất khó.
Tôi cho rằng, ở đây vấn đề quan trọng là nghiên cứu đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về công tác nhân sự. Ví dụ người đứng đầu các tỉnh chắc chắn phải được T.Ư hoặc Bộ Chính trị, Ban Bí thư chuẩn thuận. Nhưng nếu họ có khuyết điểm thì phải để cho Thủ tướng là người được pháp luật quy định cách chức.
Làm như vậy vẫn đảm bảo tôn trọng sự lãnh đạo của Đảng, tức là Đảng vẫn giới thiệu nhân sự sang, Đảng không giới thiệu thì hội đồng nhân dân không bầu được, Thủ tướng không phê chuẩn được. Nhưng đến lúc kỷ luật thì luật đã quy định, Thủ tướng phải có quyền cách chức, rồi báo cáo T.Ư giới thiệu người thay.
Đối với Quốc hội cũng vậy. Quốc hội bầu, phê chuẩn ai thì các vị đó đều phải được T.Ư, Ban Bí thư giới thiệu. Nhưng nếu họ làm không được việc, để xảy ra sai phạm lớn mà Quốc hội không được quyền biểu quyết miễn nhiệm, cứ phải chờ ý kiến của T.Ư nữa thì quá chậm. Ở Quốc hội cũng có Đảng đoàn lãnh đạo nữa nên đâu có ra ngoài sự lãnh đạo của Đảng. Phải đổi mới phương thức để công tác nhân sự gọn gàng hơn, chứ cồng kềnh như hiện nay thì rất khó.
* Xin cảm ơn ông!
Đẩy việc để tìm 'lá chắn' trách nhiệm
Điểm lại rất nhiều vụ việc mà các địa phương, bộ ngành đùn đẩy, phải xin ý kiến lên Thủ tướng thời gian qua, các chuyên gia, đại biểu Quốc hội cho rằng lý do dễ cắt nghĩa nhất là để né trách nhiệm.
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương kể rằng trước khi chuyển sang Ủy ban Pháp luật, hơn 5 năm trước, ông từng là thành viên ban soạn thảo của Bộ Nội vụ để sửa đổi luật Tổ chức Chính phủ.
Thủ tướng từng làm thay 80% cho cấp dưới
Khi ấy, tổng kết thi hành luật của cơ quan này cho thấy có đến 80% công việc mà Chính phủ, Thủ tướng giải quyết đáng ra không cần đến vai trò của người điều hành cao nhất. “Đó có khi là một việc chỉ cần ông chủ tịch huyện, giám đốc sở, cùng lắm là người đứng đầu địa phương quyết là xong, nhưng nhiều nơi cứ dùng bài xin ý kiến Chính phủ hay chờ Thủ tướng có ý kiến”, ông Cương nói.
Minh họa cho nhận định này, ông Cương ví dụ, vụ xây biệt phủ trên núi Hải Vân, chặt cây xanh ở Hà Nội hay mới nhất là vụ xử lý nhà sai phạm 8B Lê Trực. Trong nhiều vụ việc chính quyền đẩy lên Thủ tướng, có lẽ cách lý giải dễ hiểu nhất là để họ biện minh rằng: “Đấy, chúng tôi đã xin ý kiến, giờ làm sao thì đó là vì chỉ đạo ở trên, một cách thức để né tránh hoặc tìm tấm khiên che chắn cho trách nhiệm”, ông nói.
Còn chuyên gia Lê Đăng Doanh thì dẫn câu chuyện Formosa để phân tích. Theo ông Doanh, đây là vấn đề xảy ra trong một thời gian dài nhưng địa phương không biết, hoặc không xử lý để rồi các bộ phải tranh cãi chuyện phân cấp, trách nhiệm cho nhau và Thủ tướng phải yêu cầu xử lý.
Tương tự, chuyên gia này cho rằng, có nhiều việc địa phương, các bộ ngành đã được phân cấp, trách nhiệm nhưng “vì lý do này kia” không giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng, gây bức xúc khiến Thủ tướng phải vào cuộc. “Trong những vụ việc như quán Xin Chào, dự án thủy lộ xuyên Á trên sông Hồng, tôi hoan nghênh Thủ tướng vào cuộc nhưng cần làm rõ trách nhiệm của từng cấp vì để đến mức Thủ tướng phải có ý kiến”, ông Doanh nhìn nhận. Cựu Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Lê Như Tiến còn cho rằng có trách nhiệm của các cơ quan giám sát, như hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc...
“Các vụ việc như Tiên Lãng, xây nhà sai phép 8B Lê Trực, chặt cây xanh ở Hà Nội, nếu chính quyền có sai thì các cơ quan giám sát phải ý kiến, đốc thúc, giám sát việc khắc phục, xử lý để người có thẩm quyền làm hết trách nhiệm, chứ cứ để việc của ông chủ tịch quận huyện mà cũng phải lên Thủ tướng thì còn gì là kỷ cương”, ông bày tỏ.
Đừng nể nang nữa
Chuyên gia Lê Đăng Doanh cho rằng, nếu một khi việc phân cấp đã rõ mà cấp dưới vẫn cứ đẩy lên cho cấp trên thì cần xử lý cấp dưới. Trừ khi việc phân chia chưa rõ ràng hay có sự chồng chéo thì đó là kẽ hở để tình trạng này tiếp diễn.
Tuy nhiên, ông Lê Như Tiến khẳng định, luật Tổ chức Chính phủ, chính quyền địa phương đã quy định thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải giải quyết. Anh không giải quyết mà đùn đẩy lên trên là không làm tròn trách nhiệm, như vậy phải xem xét, kiểm điểm việc không hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ có quyền nhưng không làm đến nơi đến chốn.
Ông Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, hai luật trên đã quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu bộ ngành, địa phương nhưng vì tình trạng nể nang, không làm nghiêm việc đánh giá cán bộ nên câu chuyện này sẽ còn xảy ra. “Chính phủ, Thủ tướng trong các trường hợp nói trên đáng ra chỉ cần làm việc của mình là kỷ luật cán bộ, cách chức các cán bộ địa phương, bộ ngành không làm hết trách nhiệm, đến nơi đến chốn như vậy”, ông Cương nói.
Theo ông Cương, cùng với đó, cơ quan điều hành phải trả lại địa phương, bộ ngành những vấn đề thuộc thẩm quyền của họ, không làm thay cấp dưới.
Nguyên An
|
Bình luận (0)