'Không làm rõ thì luật sửa xong vẫn cứ nhùng nhằng'

03/11/2022 13:28 GMT+7

Nhiều đại biểu cho rằng khái niệm sở hữu toàn dân về đất đai do nhà nước là đại diện chủ sở hữu rất hay nhưng nếu không thể chế được sẽ là nguyên nhân gây vướng mắc.

Sáng 3.11, Quốc hội dành thời gian thảo luận tổ về dự án luật Đất đai sửa đổi.

Đại biểu Trần Công Phàn (đoàn Bình Dương)

gia hân

Đại biểu Trần Công Phàn (Bình Dương), Phó chủ tịch - Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam, nhìn nhận việc sửa luật Đất đai là việc khó.

Theo ông, ngay từ khái niệm “sở hữu toàn dân về đất đai do nhà nước là đại diện chủ sở hữu” đã là vấn đề khó. "Vì đã nói về sở hữu tức là nói đến các quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt nhưng thực tế có toàn dân đâu? Quyết các vấn đề bán đất, đổi đất, mấy người quyết?”, ông Phàn nêu.

Đại biểu phân tích Nhà nước đại diện chủ sở hữu cũng là thực hiện lệnh của toàn dân chứ nhà nước không được thay toàn dân. “Vậy thì phải làm rõ nội hàm, cái gì toàn dân quyết định, cái gì toàn dân ủy quyền cho nhà nước thì nhà nước mới được làm”, ông Phàn nêu, song cho rằng đây là “chỗ vô cùng khó” vì Nhà nước quyết định đến đâu, T.Ư, tỉnh, huyện nay mấy ông ở xã cũng có thể bán đất, đổi đất?

“Cái này thì phải tính kỹ và phải quy định rõ trong luật Đất đai. Đặc biệt là cái gì dứt khoát phải dân quyết định. Nếu không mình cứ nói thế này thôi nhưng chỉ là khẩu hiệu”, ông Phàn nói và đề nghị phải làm rõ nội hàm đất đai thuộc sở hữu toàn dân và đại diện quyền chủ sở hữu của nhà nước như thế nào thì sẽ “vẫn vướng”.

Chia sẻ quan điểm của ông Phàn, đại biểu Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng) cho rằng vấn đề đất đai là vấn đề rất cụ thể, ai cũng có một chút đất, nên không phải vấn đề xa lạ, song trên thực tiễn chỉnh sửa luật xong thì “nó vẫn cứ nhùng nhằng”.

“Nguyên nhân là vì nó không làm rõ được vấn đề lớn về sở hữu toàn dân về đất đai”, đại biểu Hồi nói.

Đại biểu Hải Phòng cho hay ở Trung Quốc, đất đai được quy định là “sở hữu nhà nước” nên dễ xử lý.

“Cách nói của mình rất hay nhưng luật không thể chế hóa được thì đây lại là nguyên nhân gây ra phức tạp”, ông Hồi nói và đề nghị cơ quan soạn thảo suy nghĩ kỹ về vấn đề này để chỉnh sửa luật Đất đai vẫn bám sát tinh thần Nghị quyết 18 của T.Ư nhưng làm sao để thể chế hóa để luật đi vào cuộc sống.

“Cái này thể chế hóa rành mạch bao nhiêu thì đất nước và nhân dân được nhờ bấy nhiêu. Nếu không thì ra luật rất hay nhưng một thời gian đi vào thực tiễn lại vướng”, ông Hồi nói.

Trước đó, theo Dự thảo luật Đất đai sửa đổi mà Chính phủ trình Quốc hội, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của luật này.

Nghị quyết 18 của Hội nghị T.Ư 5 khóa XIII khẳng định quan điểm: đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Nhà nước thực hiện quyền của chủ sở hữu thông qua việc quyết định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng và quy định thời hạn sử dụng đất; quyết định giá đất; quyết định chính sách điều tiết phần giá trị tăng thêm từ đất không phải do người sử dụng đất tạo ra.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.