Trong vòng 3 năm qua (2019 - 2021) nhiều tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi đều xảy ra cháy rừng. Cao điểm tháng 7.2020, cùng một ngày xảy ra cháy rừng đồng loạt 5 tỉnh từ Nghệ An vào Thừa Thiên-Huế. Đặc biệt, cuối tháng 6.2021, các đợt cháy rừng nối nhau, liên tiếp trên nhiều địa điểm cùng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế, trong đó các vụ cháy rừng trên địa bàn TX.Hương Thủy 3 ngày 2 đêm liên tục từ 28 - 30.6 được nhìn nhận là nghiêm trọng nhất kể từ 30 năm qua.
Sở Chỉ huy tiền phương được thành lập tại TX.Hương Thủy. Quân đội, công an với lực lượng chủ công là cảnh sát PCCC mỗi lực lượng đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ phối hợp với lực lượng kiểm lâm, lâm nghiệp, dân quân địa phương, nhân viên điện lực... ước tính cả 1.000 người mỗi ngày chiến đấu với “giặc lửa”. Thế nhưng Phó giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Đại Anh Tuấn nhìn nhận đây là “cuộc chiến không cân sức” và nhiều người trong lực lượng chữa cháy đã kiệt sức.
Sức người có hạn, trong khi đó nhiều trang thiết bị được huy động cũng khó phát huy hiệu quả trong điều kiện địa hình dốc cao. Những ô tô chữa cháy dừng ngang bìa rừng và trở thành phương tiện tiếp nước là chính do không thể vào rừng.
Trang thiết bị chữa cháy rừng ở các tỉnh, thành nói chung thời gian qua đã có những đầu tư đáng kể, nhưng vẫn còn thiếu phương tiện đặc thù để chữa cháy theo địa hình, tính chất nguy cấp của từng loại rừng. Bên cạnh công tác phòng chống cháy rừng ưu tiên số 1, phương tiện đặc thù cho những khu vực rừng hiểm trở cần được đầu tư, trang cấp. Đặc biệt, máy bay trực thăng chữa cháy rừng đến nay vẫn còn là giấc mơ trong những mùa cao điểm.
Bình luận (0)