Người ta thường nói “lạnh lùng như người Đức”, nhưng quanh trái bóng tròn, họ thật thân thiện.
Tôi đã đứng giữa những cổ động viên Đức trong cái đêm cuồng nhiệt ấy. Cảm giác của những ngày cũ như tràn về, như cái ngày tôi cùng nhảy nhót với họ trên khán đài ở Bloemfontein sau cuộc thư hùng Đức - Anh ở World Cup 2010; hay sau trận Đức thắng Argentina ở Cape Town trong cùng giải đấu đó, khi những người Đức kiêu hãnh giương lên dòng chữ “Tschüss Maradona” - Tạm biệt nhé, Maradona. Vào hôm trước trận Đức - Hà Lan vừa rồi, giữa cái nắng chói chang ở Kharkov, tôi cũng đi cùng những người bạn Đức. Họ thật lẻ loi và lép vế trước một biển trời màu cam Hà Lan. Nhưng vào buổi tối, trong sân Metalist, những người Đức mới thật tưng bừng. Trên sân, các cầu thủ áo trắng đã làm nhạt nhòa màu áo cam huyền diệu. Trên khán đài, cổ động viên Đức khẳng định sự hiện diện của mình bằng các bài hát ngắn, nhanh và mạnh; bằng những sắc màu đỏ, trắng, vàng, đen và bằng 3 ngôi sao kiêu hãnh trên ngực tượng trưng 3 lần vô địch thế giới.
|
Tan trận, giữa lúc các cổ động viên còn ngây ngất, giữa lúc hầu hết đồng đội đã trở về phòng thay đồ, thì Holger Badstuber và Bastian Schweinsteiger chạy lên khán đài. Người hâm mộ vây lấy các anh xin chữ ký, chụp hình chung. Hai ngôi sao Đức cố gắng chiều lòng nhiều người nhất có thể. Trong chừng 10 phút, họ đã ký tặng và chụp ảnh chung với hàng chục người. Badstuber còn chạy xuống khu khán đài dành cho khán giả đi xe lăn để ký tặng, để chụp hình chung. Hình ảnh những tuyển thủ Đức lạnh lùng, di chuyển trên sân như một cái máy, giờ đây thật gần gũi.
Cũng sau trận đấu đáng nhớ trên sân Metalist, cựu tiền đạo Oliver Bierhoff, thành viên ban huấn luyện tuyển Đức từ nhiều năm nay, đã nán lại rất lâu bên cạnh khán đài để trò chuyện với người hâm mộ. Ông trả những câu hỏi, vui vẻ bắt tay với người này người kia. Trong khoảnh khắc, tôi không biết hỏi gì, chỉ khẽ nói: “Chào Oliver, xin chúc mừng”. Bierhoff cám ơn, và hỏi: “Anh từ đâu tới”, tôi đáp “Việt Nam”. “Ở Việt Nam cũng quan tâm tới bóng đá châu Âu à?”. “Có chứ. Đến giờ người ta vẫn còn nể sợ những cú đánh đầu của anh đấy”. Mọi người cùng cười.
Tan trận, tôi đã gặp lại Sebastian Scheffler và những người bạn của anh. Chàng trai trẻ này đã xin nghỉ phép để đi tàu từ Munich sang Kharkov xem trận Đức - Hà Lan. Xong trận, anh lại vội vã bay về nước để làm việc trước khi tranh thủ qua Lviv xem trận Đức - Đan Mạch vào tối 17.6. “Mất công và tốn kém nhưng lỡ mê rồi, đành cố vậy”, anh chàng nói đùa. Tôi gặp Scheffler trên chuyến tàu đêm từ Kiev sang Kharkov để xem trận Hà Lan - Đức. Scheffler giải thích tỉ mỉ cho tôi những bài hát, những câu khẩu hiệu mà cổ động viên Đức thường cất lên trên các khán đài, trên đường phố, trên tàu điện, trong khu Fan Zone hay bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào họ cảm thấy muốn hát. Và chúng tôi đã hát cùng nhau, tất nhiên điệp khúc “Finale” thể hiện quyết tâm vào đến trận chung kết được cất lên nhiều nhất.
Lần đầu tiên, tôi được biết đến những người Đức thân thiện là một chiều hè năm 2006. Giữa quảng trường Marienplatz, tôi đã gặp những cổ động viên nhiệt tình, làm tan dần trong tôi thành kiến “lạnh lùng như người Đức”. Về sau, mỗi lần diễn ra các trận đấu lớn, tôi luôn tìm đến doanh trại đội tuyển Đức để tìm hiểu triết lý bóng đá chính xác, lạnh lùng như máy tính của họ. Ở những lần ấy, bên cạnh cảm nhận về những con người có niềm tin mãnh liệt, tôi cũng cảm thấy họ không “lạnh lùng như người Đức”, khi các buổi họp báo diễn ra trong không khí cởi mở, với cơ hội tương tác thường xuyên giữa cầu thủ và nhà báo.
Đỗ Hùng
(từ Kharkov, Ukraine)
>> Bồ Đào Nha thắng Đan Mạch 3-2 bằng trận đấu rượt đuổi tỷ số
>> Vàng rực một màu cam
>> Nắng chói chang ở Kharkov
Bình luận (0)