Không lẽ cứ giấu cái xấu trong cặp?

28/10/2014 12:20 GMT+7

Tôi nghĩ thật là buồn cười khi có một luồng ý kiến quy chụp việc công an phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP.HCM phát tờ rơi để du khách nâng cao tinh thần cảnh giác trước nạn cướp giật, trước thực trạng số ít lái xe taxi không trung thực khi tính cước…, là hành động “sỉ nhục”, “bôi xấu” đất nước.

Tôi nghĩ thật là buồn cười khi có một luồng ý kiến quy chụp việc Công an phường Phạm Ngũ Lão, Q.1, TP.HCM phát tờ rơi để du khách nâng cao tinh thần cảnh giác trước nạn cướp giật, trước thực trạng số ít lái xe taxi không trung thực khi tính cước…, là hành động “sỉ nhục”, “bôi xấu” đất nước.

Trước hết, hãy nhìn vào nội dung tờ rơi:

Violent crime is very often in Ho Chi Minh City. Keep your bags close to your body, avoid wearing precious jewelry and try not to be too flashy with your camera and phone” (Tội phạm bạo lực rất hay xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hãy giữ túi xách của bạn luôn bên người, không đeo các đồ trang sức quý và cố gắng không để lộ máy ảnh và điện thoại di động).

Và “Do not trust the taxi meter (đừng tin vào đồng hồ trên xe taxi). Ripping off unsuspecting passengers is an art form for dishonest driver. Stisk to reliable companies such as Vinasun taxi and Mailinh taxi. (Đây là hành động móc túi hành khách của lái xe không trung thực. Hãy lựa chọn các hãng taxi đáng tin cậy như Vinasun và Mai Linh).


Tờ rơi nhắc nhở du khách cẩn thận đang tạo ra thông tin trái chiều - Ảnh: Đình Quân

Là một người dân thành phố, tôi nghĩ lời cảnh báo trên không có gì là quá. Điều đó hoàn toàn càng không có gì là “bôi đen” cả. Thực tế thì tình trạng tội phạm bạo lực, cướp giật trên đường phố, lái xe taxi không trung thực khiến du khách bị “móc túi” dường như đã trở thành “chuyện thường ngày”. Người dân đã phải tự mình tập dần thói quen “sống chung” với nó rồi mà.

Có thể nói Q.1 là nơi kinh tế sầm uất nhất thành phố. TP.HCM lại đứng đầu cả nước về việc làm ra nhiều tiền bằng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Lẽ thường giàu thì phải sang. Sự “sang” đó thể hiện không nhỏ thông qua đời sống người dân, thông qua việc ăn, việc mặc mỗi ngày; và việc trang sức mỗi khi ra đường. Ví như du khách đến Sài Gòn tham quan trong một vài lần, cảm nhận về độ sang, độ giàu có của Sài Gòn, thì ngoài việc nhìn vào nhà cửa, cơ sở hạ tầng…, có lẽ một phần không nhỏ là họ nhìn vào hình ảnh người dân, đặc biệt là những chị em phụ nữ luôn thoải mái trên đường với nhiều đồ trang sức làm đẹp cho mình.

Nhưng thực tế thì chuyện chị em làm đẹp ở “nơi giàu nhất nước” như là một điều rất… xa xỉ. Ở đây nói xa xỉ là vì rất nhiều người chẳng bao giờ nghĩ đến, hoặc dẫu có nghĩ đến rồi nhưng lại không dám làm đẹp mỗi khi ra đường. Lý do đưa ra cũng vì… sợ cướp giật. Ai đó trong lúc này hoặc lúc nọ có mang đồng hồ, dây chuyền, túi xách hàng hiệu nhưng khi đi trên đường thì cũng luôn che bịt kín mít từ cổ đến chân, và khi đến “điểm hẹn” an toàn rồi thì mới được làm đẹp. Như vậy cũng tội cho chị em lắm chứ!

Về nguyên tắc, công an là lực lượng tiên phong có nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội cho người dân và du khách. Một khi sự đảm bảo an toàn trên thực tế chưa được như mong muốn, thì việc đưa ra lời cảnh báo, nhắc nhở cho du khách cẩn thận là hoàn toàn cần thiết. Tờ rơi cũng hướng dẫn khách nước ngoài một số điểm đáng lưu ý khi sử dụng dịch vụ xích lô, xe ôm… Có thể nói, đây là một hành động có trách nhiệm, thân thiện, tích cực ở chỗ chủ động không muốn để cho du khách “sống chết mặc kệ”.

Thực tế thời gian qua, người dân thành phố cũng hay được khuyến cáo: đừng có khơi khơi mang tài sản có giá trị mỗi khi đi trên đường đó sao, vì “lỡ” mấy tên cướp giật ngó thấy được rồi ra tay, thì công an dẫu có tuần tra, mật phục thường xuyên cũng chưa chắc kịp trở tay để bảo vệ được cho người dân.

Không thể quy chụp cho việc cảnh báo, nhắc nhở ấy là “sỉ nhục”, là “bôi xấu”, không thể nói đó là việc làm phản cảm, hay tạo tâm lý lo sợ, bất an cho du khách.

Hai tình huống đặt ra:

1. Công an cảnh báo, nhắc nhở để du khách biết có nguy cơ và bảo vệ được tài sản của mình để chuyến tham quan của họ có được những trải nghiệm trọn vẹn, cảm nhận được sự quan tâm của chính quyền sở tại để sau đó có dịp sẽ quay trở lại “làm giàu cho du lịch Việt Nam”.

2. Công an, dù đã biết có nguy cơ, nhưng lại che giấu đi để rồi du khách bị “sa bẫy cướp giật”, không thu hồi lại được tài sản bị cướp giật cho du khách, sau chuyến tham quan họ luôn bị ám ảnh về một nơi không an toàn rồi chẳng bao giờ trở lại, rồi họ còn kể lại cho bạn bè, đưa thông tin lên mạng xã hội.

Trong lúc vấn đề an ninh, trật tự ở thành phố “chưa được đẹp như viên pha lê”, thì tình huống nào sẽ mang lại ý nghĩa, kết quả tốt hơn, hẳn là chuyện không khó để nhận ra khi xét vấn đề trên nhiều góc độ một cách hợp lý.

Sẽ là việc rất đáng trách, rất đáng lên án khi anh vì thành tích, vì danh hiệu, vì sợ trách nhiệm… mà anh “giấu trong cặp” chuyện tội phạm để rồi tội phạm càng “có đất để sống”!

Nói lên sự thật (đặc biệt là cơ quan công quyền) về bất cập, tồn tại để cùng nhau xử lý sẽ luôn tốt hơn là “giấu hết mọi chuyện trong cặp” rồi tất cả không biết đâu mà lần.

Hẳn mọi người cũng hay nghĩ và luôn mong muốn là thực tế trong cuộc sống bây giờ sẽ được như thế đó sao(?!).

Đình Nguyên*

* Bài viết thể hiện quan điểm, văn phong của tác giả, một người dân song ở TP.HCM

>> Phát tờ rơi cảnh báo cướp giật: ‘Chúng tôi chỉ muốn nhắc nhở du khách cẩn thận
>> Phát tờ rơi hướng dẫn người dân cách gọi cho cảnh sát 113
>> Công an phát tờ rơi tuyên truyền phòng chống tội phạm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.