Không lơ là dù kinh tế đạt kết quả khả quan, toàn diện

02/10/2018 07:01 GMT+7

Kết quả kinh tế - xã hội đạt được tháng 9 và 9 tháng năm 2018 rất toàn diện, tình hình tiếp tục xu hướng khả quan, song không vì thế mà lơ là, chủ quan.

Đó là thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp thường kỳ tháng 9 diễn ra hôm qua (1.10), được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh tại cuộc họp báo ngay sau phiên họp Chính phủ.
Đã có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỉ USD
Trong cuộc họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã thông tin một số nét cơ bản về cuộc họp Chính phủ tháng 9. Theo đó, đánh giá chung về tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng, Chính phủ nhìn nhận kết quả đạt được tháng 9 và 9 tháng năm 2018 rất toàn diện, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng khả quan. Trong đó, đáng chú ý là GDP 9 tháng tăng 6,98%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2011 trở về đây. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ; tháng 9 tăng 0,59% so với tháng trước và 9 tháng chỉ tăng 3,57%. Trong 9 tháng, xuất siêu 5,39 tỉ USD với 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD và đặc biệt có 5 mặt hàng đạt trên 10 tỉ USD. Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước và bằng 34% GDP. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tăng 6%; thu hút khách du lịch đạt trên 11,6 triệu lượt, tăng 22,9%...
Trong 9 tháng, cả nước có trên 96.000 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký trên 963.000 tỉ đồng, tăng 2,8% về số DN và tăng 6,7% về vốn; gần 23.000 DN quay trở lại hoạt động, tăng 8,5% so với cùng kỳ.
Thủ tướng cũng đề cập đến sự kiện lớn nhất về đối ngoại năm 2018 là Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới WEF-ASEAN tại Hà Nội, được quốc tế đánh giá cao, được xem là hội nghị thành công nhất trong 27 năm WEF tổ chức tại ASEAN và Đông Á. Bên cạnh đó là việc ra mắt Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN cuối tuần trước - cơ quan thuộc Chính phủ quản lý vốn tại 19 tập đoàn, tổng công ty lớn với số vốn 1 triệu tỉ đồng và tài sản trị giá 2,3 triệu tỉ đồng.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, cũng cần nhìn rõ hơn các tồn tại, bất cập, khó khăn, yếu kém để đưa ra giải pháp cụ thể, nhất là trước tình trạng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc; sức ép lạm phát còn rất lớn, cả do nguyên nhân bên trong, bên ngoài, từ tỷ giá, lãi suất, lộ trình thực hiện giá thị trường, tăng lương, lạm phát tâm lý…; DN vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc…
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không được lơ là, chủ quan với kết quả đạt được; cần tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; bám sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, có đối sách phù hợp, kịp thời, đặc biệt là mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát dưới 4%.
“Không thể chấp nhận vụ việc ở chợ Long Biên”
Tại buổi họp báo, vụ bảo kê ở chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) cũng được báo chí đặt ra với lãnh đạo TP.Hà Nội và Bộ Công an. Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết Bộ đã chỉ đạo khẩn trương điều tra, xác minh vụ việc và Công an TP.Hà Nội đang vào cuộc tích cực, vụ án đã được khởi tố. “Vụ việc ở chợ Long Biên thật khó chấp nhận, không thể chấp nhận. Nếu đúng là bảo kê, mà lại do công an bảo kê thì chúng tôi đề nghị ai có thông tin hãy cung cấp cho Công an Hà Nội”, ông Sơn nói.
Nói thêm về nội dung này, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết Chủ tịch UBND TP đã chỉ đạo phải xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức bảo kê. Bên cạnh đó, trách nhiệm của UBND các phường là phải bảo đảm cho các hoạt động bình thường của các chợ, nếu chỗ nào để xảy ra như Long Biên thì sẽ bị xử lý nghiêm.
BOT Cai Lậy sẽ có 2 trạm thu phí
Liên quan đến giải pháp cho BOT Cai Lậy, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông thông tin sau khi xem xét toàn diện các phương án, thì hiện kịch bản đặt 2 trạm ở tuyến tránh lẫn QL1 cũ là khả thi nhất. “Chúng ta đã đưa ra phương án là nhà nước có thể mua lại nhưng chúng tôi đã so sánh rồi, nhà nước không có tiền mua. Trong khi đó, phương án đặt 2 trạm ở 2 tuyến được tỉnh Tiền Giang thống nhất cao vì đảm bảo tính công bằng hơn”, ông Đông nói.
Cũng theo ông Đông, Bộ GTVT sẽ tiếp tục đánh giá tác động và làm việc với các cơ quan liên quan như Bộ Công an, Bộ TT-TT... để quyết định theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Xóa thẻ vàng đã có chuyển biến tích cực
Thông tin về việc xóa “thẻ vàng” trong thủy sản, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết “đã đạt được một số kết quả bước đầu”. Theo ông Doanh, sau chuyến kiểm tra, khảo sát tại một số địa phương vào tháng 5, đoàn EU đã ghi nhận rất cao nỗ lực và sự quyết liệt của VN trong khắc phục để sớm được rút “thẻ vàng”. “Chúng tôi đang tập trung cao chuẩn bị mọi điều kiện để đón đoàn Nghị viện EU sang giám sát trở lại trong khoảng cuối tháng này. Hy vọng với những cố gắng, đoàn giám sát của EU sẽ có đánh giá tích cực hơn đối với những nỗ lực của Bộ NN-PTNT và các địa phương”, ông Doanh bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.