Sáng nay 25.8, tại phiên họp báo công bố chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức, ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND H.Nam Trà My cho biết dự án mở tuyến đường từ trung tâm huyện lên vùng sâm Ngọc Linh tại xã Trà Linh đã khởi động trong tháng 8.
Đây là tuyến đường quan trọng nhằm “rút ngắn” khoảng cách giữa vùng có loài cây đặc hữu ở vùng núi Ngọc Linh (đỉnh Ngọc Linh cao 2.598 mét), đồng thời tạo ra một “vòng tròn du lịch”.
Theo mô tả của ông Hồ Quang Bửu, tuyến đường này hoàn thành sẽ mở hướng đi vào vùng sâm, có thể kết nối với H.Đăk Lei (Kon Tum), đồng thời khởi động tuyến “du lịch sâm” trong đó con đường phát triển du lịch khép kín từ Hội An lên Nam Trà My (nơi có vùng sâm), vòng theo đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại ở Phước Sơn…
Hiện đã có 6 doanh nghiệp (trong tổng số 32 doanh nghiệp đăng ký) được tỉnh Quảng Nam lựa chọn để đầu tư phát triển tại vùng sâm được quy hoạch.
Trước đó, ngày 16.8, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) ban hành quyết định số 3235/QĐ-SHTT cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ.
Tại cuộc họp báo sáng nay, ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Quảng Nam, đánh giá đây là tài sản thương mại có giá trị.
“Hi vọng sau khi xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ, chắc chắn có nhiều hơn các hộ dân, cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan khoa học… trong và ngoài nước chung tay phát triển hạ tầng, sản xuất cây giống, phát triển vùng nguyên liệu”, ông Tích nói.
|
Tại Việt Nam, chỉ có 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam có sâm Ngọc Linh. Tại 2 tỉnh này, cũng chỉ có 5 huyện với 16 xã có sâm.
Với khoảng 19.000 ha rừng được tỉnh Quảng Nam quy hoạch phát triển vùng sâm nguyên liệu (và đã được Chính phủ đồng ý hồi tháng 9.2015), ông Hồ Quang Bửu khẳng định không ảnh hưởng đến vùng rừng nguyên sinh. Trước ý kiến băn khoăn về chủ trương đóng cửa rừng của Thủ tướng Chính phủ, ông Hồ Quang Bửu nói: “Tôi nghĩ việc phát triển vùng nguyên liệu sâm dưới tán rừng là giữ rừng chứ không phải phá rừng”.
Ông Lê Văn Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cũng cho rằng đóng cửa rừng không có nghĩa là… không được vào rừng, trong khi trồng sâm dưới tán rừng có nghĩa là phải bảo vệ rừng.
Cây sâm Ngọc Linh được biết đến ở Việt Nam vào ngày 19.3.1973, do đoàn điều tra dược liệu Ban dân y Quân khu 5 (do dược sĩ Đào Kim Long và Nguyễn Châu Giang hướng dẫn) phát hiện ở độ cao 1.800 mét tại núi Ngọc Linh thuộc 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum.
Trước đó, đồng bào dân tộc thiểu số Trung Trung bộ, đặc biệt là dân tộc Xê Đăng, đã sử dụng sâm Ngọc Linh như một loại củ rừng và họ gọi là “cây thuốc giấu”.
Dự kiến ngày 29.8 tới, UBND tỉnh Quảng Nam sẽ chính thức công bố chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ.
tin liên quan
Cứu 'thần dược' sâm Ngọc LinhMột thời khai thác cạn kiệt nguồn sâm Ngọc Linh quý hiếm, đến nay đồng bào Xê Đăng ở H.Tu Mơ Rông (Kon Tum) xa xôi đã "sửa sai" bằng cách trồng lại giống sâm này, vừa để duy trì dòng sâm vừa làm giàu.
Bình luận (0)