Không lo sợ khi 'mất mối' làm ăn với Trung Quốc

09/06/2014 20:33 GMT+7

(TNO) Lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp (DN) cho biết họ không lo sợ khi 'mất mối' làm ăn với Trung Quốc nếu như trong trường hợp quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc diễn biến theo chiều hướng xấu.

(TNO) Lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp (DN) cho biết họ không lo sợ khi “mất mối” làm ăn với Trung Quốc nếu như trong trường hợp quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc diễn biến theo chiều hướng xấu.

Không lo sợ khi “mất mối” làm ăn với Trung Quốc 1 
Xuất nhập khẩu của doanh nghiệp TP.HCM bị ảnh hưởng không đáng kể nếu quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc diễn biến theo chiều hướng xấu

Chiều 9.6, ông Lê Hoàng Quân - Chủ tịch UBND TP.HCM - và ông Lê Mạnh Hà -, Phó chủ tịch UBND TP.HCM - đã làm việc với các ngành để tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị nhập khẩu nguyên phụ liệu sản xuất.

TP.HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước trong nhiều năm qua. Do vậy, việc giữ vững tình hình ổn định sản xuất, kinh doanh là vấn đề hệ trọng không chỉ đối với TP.HCM mà còn đối với cả nước.

Trong bối cảnh chung cả nước nhập siêu từ Trung Quốc lên đến 23,7 tỉ USD (trong năm 2013, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 13,2 tỉ USD và nhập khẩu từ Trung Quốc 36,9 tỉ USD), TP.HCM cũng nhập khẩu từ nước này với trị giá hàng hóa lớn. Trong đó, rất nhiều ngành sản xuất quan trọng của TP.HCM, các doanh nghiệp đều nhập khẩu nguyên phụ liệu của Trung Quốc.

Bị thiệt hại bao nhiêu nếu “mất mối” Trung Quốc?

Một vấn đề quan trọng đặt ra tại buổi làm việc là nếu như trong trường hợp quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc diễn biến theo chiều hướng xấu, mức độ ảnh hưởng đến tình hình xuất nhập khẩu của DN TP.HCM như thế nào?

Về xuất khẩu, theo phân tích của Sở Công thương TP.HCM, mức độ ảnh hưởng về xuất khẩu không lớn vì nhiều mặt hàng của DN TP.HCM không lệ thuộc cao vào thị trường này trong việc xuất khẩu (mức độ có thể bị ảnh hưởng đối với mặt hàng gạo, cao su chỉ giảm từ 3 - 4%; rau quả từ 7 - 10%). Các doanh nghiệp hoàn toàn có khả năng tăng cường xuất khẩu sang Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Singapore…

Hầu hết các mặt hàng nguyên phụ liệu đều nhập siêu từ Trung Quốc, nhưng cũng theo tính toán của Sở Công thương, các DN vẫn có khả năng nhập khẩu từ các thị trường khác có chất lượng cao như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Hồng Kông… Vấn đề chi phí nhập khẩu có tăng lên nhưng không quá cao. Cụ thể, đối với nguyên liệu vải phục vụ sản xuất hàng dệt may xuất khẩu có thể tăng từ 10-15%, nguyên phụ liệu dệt may, da giày phục vụ cho sản xuất ngành may và da giày xuất khẩu tăng từ 7-10%.

Riêng thuốc trừ sâu và nguyên liệu, có thể nhập khẩu từ thị trường Malaysia, Ấn Độ nhưng nguồn gốc hàng vẫn là Trung Quốc (vì nước này chủ yếu sản xuất mặt hàng này) nên giá nhập khẩu sẽ tăng từ 15-20%. Đây là mặt hàng phục vụ cho hoạt động sản xuất nông sản của nông dân, nên có khả năng chịu tác động theo hiệu ứng domino, tức là sẽ tăng giá thành của sản phẩm nông sản, giảm sức cạnh tranh của mặt hàng nông sản xuất khẩu.

Ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Sở Công thương, cho rằng nguy cơ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu với thị trường Trung Quốc vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để DN chuyển đổi cơ cấu thị trường, nâng cao nội lực.

 Không lo sợ khi “mất mối” làm ăn với Trung Quốc 2
Doanh nghiệp tại TP.HCM đang quyết tâm đa dạng hóa bạn hàng theo tinh thần cam kết WTO - Ảnh: Diệp Đức Minh

Cần hoạch định lại chiến lược kinh doanh

Lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp (DN) cho biết họ không lo sợ khi “mất mối” làm ăn với Trung Quốc nếu như trong trường hợp quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc diễn biến theo chiều hướng xấu.

Ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Cao su nhựa TP.HCM, cho biết ngành nhựa có 80% DN vừa và nhỏ, 90% DN toàn ngành phụ thuộc vào máy móc, thiết bị Trung Quốc.

“Tôi có băn khoăn thực sự nhưng đây là cơ hội lớn để DN tính toán thay đổi công nghệ sản xuất và sự phụ thuộc vào một phía. Máy móc của Trung Quốc rẻ nhưng chất lượng thấp và cồng kềnh, hiệu suất không cao như máy của Nhật Bản, Đức…”, ông Anh nói.

Đưa ra giải pháp đồng bộ cho vấn đề này trong thời gian tới, ông Lê Văn Khoa khuyến cáo các DN hoạch định lại chiến lược kinh doanh, nhất là các DN mà tỷ trọng xuất khẩu, nhập khẩu lớn ở một thị trường cụ thể. Chủ động đa phương hóa, đa dạng hóa bạn hàng theo tinh thần cam kết WTO.

Các DN cần tăng cường hợp tác với các đối tác ở các nước mà Việt Nam có tham gia các ký kết hiệp định thương mại tự do, hoặc Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ ký trong thời gian tới để tận dụng thuế xuất ưu đãi trong hoạt động xuất nhập khẩu từ các thị trường này.

Về phía cơ quan nhà nước, ông Khoa cho rằng cần phải tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại theo hướng xúc tiến đa dạng hóa thị trường nhập khẩu các mặt hàng nguyên phụ liệu (vải, dệt may, da giày, thuốc trừ sâu, sắt thép) và xúc tiến xuất khẩu (hàng rau quả, cao su, gạo…) đối với các mặt hàng có tỷ trọng xuất khẩu, nhập khẩu lớn với thị trường Trung Quốc.

Tăng cường kết nối cung cầu đối với ngành nguyên phụ liệu đã sản xuất được trong nước. Hải quan TP.HCM nên cung cấp thông tin trên mạng theo hướng công bố danh sách các DN xuất nhập khẩu theo từng mặt hàng nguyên phụ liệu để DN khác biết thông tin mà kết nối với nhau.

Hỗ trợ ưu đãi tín dụng cho DN sản xuất ngành nguyên phụ liệu dệt may, da giày để giảm giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh vì giá nguyên phụ liệu sản xuất trong nước hiện cao hơn giá nhập khẩu từ Trung Quốc. Nếu có ưu đãi tín dụng thiết thực, các DN sẽ ưu tiên sử dụng nguyên phụ liệu trong nước. Từ đó sẽ tạo ra hiệu ứng kích thích phát triển dây chuyền và từng bước nâng cao khả năng chủ động được nguồn nguyên liệu.

Bên cạnh đó, cần triển khai các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chuyên ngành về công nghiệp hỗ trợ và có chính sách ưu đãi đối với các DN xây dựng hạ tầng, sản xuất nguyên phụ liệu...; đồng thời kiến nghị Chính phủ có các giải pháp cụ thể về chính sách giảm thuế (có thể áp dụng trong ngắn hạn, trong thời gian DN chuyển hóa thị trường xuất nhập khẩu)…

Tương quan xuất nhập khẩu của DN TP.HCM với Trung Quốc 5 tháng đầu năm 2014

Kim ngạch xuất khẩu của DN TP.HCM vào Trung Quốc đạt 839,4 triệu USD, giảm 4,4% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 9,8% trong cơ cấu kim ngạch xuất khẩu của TP (không tính dầu thô) và chiếm khoảng 13% kim ngạch xuất khẩu của cả nước vào thị trường này.

Các mặt hàng xuất khẩu chính của TP.HCM vào Trung Quốc:

Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 275,8 triệu USD, giảm 29,3% so với cùng kỳ. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của mặt hàng này (chiếm tỷ trọng 27,9%), tiếp theo là Malaysia chiếm tỷ trọng 20%.

Gạo 109,7 triệu USD, giảm 4,6% so với cùng kỳ. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu đứng thứ 3 (chiếm tỷ trọng 15,7%) sau Hoa Kỳ (tỷ trọng 40,7%) và Philippines (tỷ trọng 27,5%). Đây là mặt hàng có sự chuyển dịch thị trường mạnh mẽ trong năm 2014, trước đây thị trường xuất khẩu chủ yếu tập trung ở Philippines, Trung Quốc, Indonesia, hiện đã chuyển dịch mạnh sang thị trường Hoa Kỳ.

Hàng rau quả đạt 98 triệu USD, tăng 116% so với cùng kỳ. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu trọng điểm của mặt hàng này (chiếm tỷ trọng 49,7%). Ngoài ra, mặt hàng này còn xuất sang các thị trường nhưng tỷ trọng nhỏ như Hoa Kỳ (6,9%), Hàn Quốc (4,4%), Malaysia (4,4%), Indonesia (3,2%).

Hàng dệt may đạt 56,2 triệu USD, tăng 76,3% so với cùng kỳ. Trung Quốc là thị trường chiếm tỷ trọng xuất khẩu nhỏ (3%). Thị trường xuất khẩu chính là Hoa Kỳ (48%), Nhật Bản (17,2%), EU (14,7%), Hàn Quốc (6,1%).

Nhập khẩu của DN TP.HCM từ Trung Quốc:

Kim ngạch nhập khẩu của DN TP.HCM từ Trung Quốc đạt 2,35 tỉ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 23,7% trong cơ cấu kim ngạch nhập khẩu của TP và chiếm khoảng 14,5 kim ngạch nhập khẩu của cả nước từ thị trường này. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của DN TP.HCM, tiếp theo là Singapore (chiếm 9,9%), Đài Loan (7,3%), Nhật Bản (6,6%), Thái Lan (6,5%), Hàn Quốc (6,4%), Malaysia (5,4%).

Vải các loại đạt 357,8 triệu USD, tăng 24,7% so với cùng kỳ. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của mặt hàng này (chiếm tỷ trọng 39,1%), tiếp theo là các thị trường: Đài Loan (20,3%), Hàn Quốc (15%), Nhật Bản (8,8%).

Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 307 triệu USD, tăng 47,2% so với cùng kỳ. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của mặt hàng này (chiếm tỷ trọng 24,3%), tiếp đến là thị trường Singapore (13,8%), Nhật Bản (13,2%), Đức (6,2%), Đài Loan (6,1%), Hàn Quốc (5,6%).

Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 304,9 triệu USD, giảm 32,5 so với cùng kỳ. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của mặt hàng này (chiếm tỷ trọng 25,7%), tiếp đến là thị trường Hoa Kỳ (23,9%), Malaysia (10,6%), Philippines (9,5%), Israel (7,6%), Hồng Kông (7,6%).

Sắt thép các loại đạt 261,1 triệu USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ. Mặt hàng này chủ yếu tập trung nhập khẩu từ Trung Quốc (chiếm tỷ trọng 60%).

Nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày đạt 78,8 triệu USD, tăng 11,8%. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của mặt hàng này (chiếm tỷ trọng 24,1%), tiếp đến là thị trường Hồng Kông (16,9%), Đài Loan (13,5%), Nhật Bản (13,3%).

Thuốc trừ sâu và nguyên liệu đạt 65,8 triệu USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ. Mặt hàng này cũng chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc (chiếm tỷ trọng 58,3%).

Đình Phú

>> Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Đông tăng liên tục
>> TP.HCM: Tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu đều giảm
>> Khởi tố bị can giám đốc Công ty CP xuất nhập khẩu 29 Hà Nội
>> Onlinco Dollars - thương hiệu uy tín trong lĩnh vực xuất nhập khẩu
>> Dành 1.000 tỉ đồng cho vay xuất nhập khẩu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.