Không muốn học tiếp văn hóa, học sinh tốt nghiệp THCS nên chọn hướng đi nào?

23/05/2023 19:08 GMT+7

Nhiều học sinh tốt nghiệp THCS nhưng có xu hướng thích có một nghề nghiệp phù hợp với năng lực bản thân để sớm tham gia thị trường lao động chứ không chọn hướng học tiếp văn hóa ở trường THPT để xét tuyển vào ĐH. Vậy lối rẽ nào sẽ đáp ứng nhu cầu này?

Tại chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề 'Những hướng đi sau khi hoàn thành lớp 9' do Báo Thanh Niên tổ chức chiều nay 23.5, đại diện một số trường CĐ, trung cấp đã chia sẻ nhiều thông tin liên quan đến việc chọn ngành học phù hợp với năng lực, sở thích của học sinh tốt nghiệp THCS

Ngành nào phù hợp tính cách hướng ngoại, năng động? 

Phụ huynh Đào Thị Thủy, Q.Tân Phú, TP.HCM, thắc mắc: "Con tôi năng động, hướng ngoại, cháu cũng không thích học các môn văn hóa tiếp tục bậc THPT mà muốn học nghề gì liên quan đến tổ chức sự kiện. Ngành này các trường nghề có đào tạo không?". Thạc sĩ Trần Phương, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Việt Giao, cho biết tổ chức sự kiện là một ngành đang rất 'hot' hiện nay, thu hút sự quan tâm của nhiều học sinh, đồng thời nhu cầu nhân lực cũng rất lớn.

Không muốn học tiếp văn hóa, học sinh tốt nghiệp THCS nên chọn học gì? - Ảnh 1.

Học sinh ngành quản trị dịch vụ và tổ chức sự kiện

P.T

"Trường Trung cấp Việt Giao có tuyển sinh và đào tạo ngành quản trị dịch vụ giải trí và tổ chức sự kiện. Học sinh sẽ được trang bị các kiến thức về hoạch định sự kiện, kỹ năng bán và tiếp thị, tài trợ, các hoạt động hậu cần, quản trị rủi ro, thiết kế chương trình, mời các nhân vật của công chúng…", thạc sĩ Phương thông tin.

Theo thạc sĩ Phương, tố chất để học tốt ngành này là năng động, hướng ngoại, chịu được áp lực, luôn có nhiệt huyết và tràn đầy năng lượng để sáng tạo.

Ngoài ra, người học cũng cần trang bị năng lực sử dụng các công cụ, ứng dụng hoạt động trên nền tảng mạng xã hội và các ứng dụng trong lĩnh vực quản trị sự kiện và dịch vụ giải trí. Tốt nghiệp, học sinh có thể làm việc tại các lĩnh vực như truyền thông, truyền hình, làm người lan tỏa trên mạng xã hội để quảng bá sản phẩm hoặc trở thành nhà hoạt náo; tổ chức team buiding;, tổ chức sự kiện du lịch, thể thao; quản trị các khu vui chơi giải trí…

Thích lắp ráp máy móc, nên học kỹ thuật?

Trong khi đó, Ngô Văn Toản, học sinh lớp 9 Trường THPT Tăng Bạt Hổ, Q.4, TP.HCM, băn khoăn: "Em không thích học các môn văn hóa mà thích lắp ráp máy móc, mẹ em đồng ý cho em đi học nghề. Vậy em nên đăng ký học nghề gì để phù hợp với sở thích và ra trường có việc làm ngay?"

Không muốn học tiếp văn hóa, học sinh tốt nghiệp THCS nên chọn học gì? - Ảnh 2.

Thích lắp ráp có thể học nhiều ngành kỹ thuật trong đó có công nghệ ô tô

Đ.T

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Hưng, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn, giải đáp: "Nếu em thích lắp ráp thì có thể có thể học các môn liên quan đến ô tô, điện - điện tử, cơ khí, máy tính… Học xong trung cấp, các em có thể liên thông ngay lên CĐ và tốt nghiệp được cấp bằng cử nhân hoặc kỹ sư thực hành tùy ngành học. Ngoài ra, trường còn tạo điều kiện để các em có học chuyển tiếp hoặc làm thực tập sinh tại Hàn, Nhật, Úc".

Theo tiến sĩ Hưng, chương trình học tập trung vào kỹ năng nghề nghiệp theo yêu cầu doanh nghiệp để ra trường làm việc được ngay với 70% thời lượng thực hành, 30% học lý thuyết và văn hóa theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Không chỉ có nhiều ngành học "hot" để lựa chọn, học sinh hoàn thành lớp 9 đi học nghề còn được nhà nước hỗ trợ học phí ở bậc trung cấp. "Các em chỉ cần học 3 năm để lấy bằng trung cấp, ngay sau đó có thể tham gia thị trường lao động hoặc học thêm 1 năm để lấy bằng CĐ và tiếp tục liên thông lấy bằng ĐH nếu muốn. Tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí, đây chính là hướng đi rất phù hợp với những học sinh có hoàn cảnh khó khăn muốn có nghề nghiệp để sớm có thu nhập", thạc sĩ Trần Phương nhận định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.