Sau kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh 2.9, tôi thật sự kinh hoàng và đau xót khi đọc những con số về tai nạn giao thông đã xảy ra: trong 4 ngày có 114 người tử nạn, 145 người bị thương, hàng trăm phương tiện xe cộ bị hư hỏng, thiệt hại về tài sản ước tính nhiều tỉ đồng… Số người chết và bị thương cao hơn so với cùng thời điểm năm 2013 (82 người chết, 117 người bị thương).
>> 117 người chết do TNGT trong 5 ngày nghỉ lễ
>> Vụ xe khách rơi xuống vực ở Lào Cai: Đã xác định được danh tính 12 nạn nhân tử vong
|
Lẽ thường, lễ là ngày vui chung của dân tộc, là dịp để mọi người sum họp, đoàn tụ, chung vui cùng người thân, bạn bè. Là khoảng thời gian quý báu để mọi người nghỉ ngơi, nạp thêm năng lượng thể chất và tinh thần sau những ngày làm việc căng thẳng, mệt mỏi… Nhưng hóa ra, đây lại là những cơn ác mộng của bao gia đình: vợ mất chồng, mẹ mất con, đôi lứa chia lìa và trong đó có nhiều em bé hồn nhiên. Bao nhiêu cảnh đời đang vui sống hạnh phúc, bình yên bỗng dưng sụp đổ, tan vỡ chỉ sau những ngày lễ. Tại sao lại như vậy? Tại sao số lượng tai nạn giao thông tăng gấp nhiều lần so với ngày thường? Tại sao hiện tượng này cứ lặp đi lặp lại hết năm này sang năm khác?...
Trước hết, phải nói về ý thức của người dân trong việc tham gia giao thông ở nước ta rất hạn chế. Với mật độ lưu thông xe dày đặc trong ngày lễ nhưng người điều khiển xe không tuân thủ luật lệ quy đinh như: uống rượu bia, không đội mũ bảo hiểm, đi ngược đường, chen lấn, lạng lách, chở ba…
Đối với các bác tài xe chở khách, xe chở hàng, lái tàu... vì muốn nhanh chóng quay vòng đầu xe để bắt khách nên phóng nhanh, vượt ẩu…
Lực lượng cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông mặc dù đã huy động hết quân số nhưng vẫn khá mỏng không thể đảm đương nổi. Hơn nữa, phải nói thật là các anh chưa đáp ứng được sự tin cậy của người dân nếu không nói là uy tín bị xuống sau các vụ lùm xùm vừa qua.
Một lý do khách quan nhưng vô cùng quan trọng là hệ thống hạ tầng giao thông của nước ta còn quá kém. Đường thì nhỏ, nhiều đoạn hư hại, ổ gà, ổ voi dày đặc như cái bẫy giăng ra cho người đi đường, các biển báo giao thông như đánh đố…
Thời gian gần đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng 'tả xung hữu đột' giải quyết các vấn đề này. Thậm chí có báo còn tường thuật Bộ trưởng đu dây xuống vực để chỉ đạo cứu các nạn nhân vụ tai nạn xe ở Lào Cai cứ như người hùng trong truyện kiếm hiệp…
Đã có rất nhiều giải pháp được đưa ra như: phân luồng giao thông để hạn chế ùn tắc, tăng cường lực lượng thanh kiểm tra ngăn chặn tình trạng đua xe, chạy ẩu…, nhưng xem ra những nỗ lực của ngành giao thông, công an vẫn chưa thật sự mang lại hiệu quả…
Trong tình hình bế tắc này, tôi kiến nghị Chính phủ không nên cho nghỉ lễ dài ngày. Vì sao tôi lại có ý nghĩ cực đoan như vậy? Từ ngàn xưa, ông bà ta có câu: “Dù xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người”. Cứu người vượt qua cơn hoạn nạn, cứu người trước nguy cơ của cái chết treo lơ lửng trên đầu là việc nên làm nhất trong tất cả các việc phải làm trên cõi đời này.
Tôi còn nhớ, năm 1994, đứng trước tình trạng đốt pháo trong các dịp lễ, tết, đám cưới, khai trương… gây ra hàng ngàn vụ tai nạn chết người, cháy nhà, thương tật, ảnh hưởng trật tự an ninh… cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ký chỉ thị số 406-TTg cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo. Thời gian đầu, khi người dân chưa hiểu đã có rất nhiều ý kiến phản đối nhưng khi chỉ thị đi vào thực tiễn, người dân nhìn thấy hiệu quả nên ủng hộ rất nhiệt tình.
Vậy nếu việc cấm nghỉ dài ngày có thể cứu được rất nhiều mạng người, sao Chính phủ ta không mạnh dạn áp dụng? Còn nếu bạn đọc có ý kiến gì khác, xin cùng hiến kế để mọi người dân Việt Nam được sống trong bình an; để những người cha, người mẹ, nguời vợ, người chồng, người yêu… sẽ không còn nơm nớp âu lo mỗi khi người thân của mình ra đường trong các dịp lễ, tết.
Quốc Anh *
* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một doanh nhân sinh sống ở TP.HCM
>> Nghỉ lễ 2.9 dài ngày, bến xe tại TP.HCM chật kín khách
>> Ùn ùn về quê nghỉ lễ, bến xe kẹt cứng người
Bình luận (0)