Không nên để người dân phấp phỏng

03/08/2024 06:37 GMT+7

Dù TP.HCM chưa áp dụng bảng giá đất mới từ 1.8 như kế hoạch ban đầu nhưng người dân, doanh nghiệp vẫn phấp phỏng khi việc này vẫn còn tiếp tục được lấy ý kiến chứ chưa dừng hẳn.

Bởi nếu bảng giá đất mới với mức tăng rất mạnh như đề xuất của TP.HCM được áp dụng, tiền sử dụng đất của người dân, doanh nghiệp (DN) phải đóng trong thời gian tới sẽ tăng gấp hàng chục lần. Số tiền này ở góc độ cá nhân, nhiều người, nhiều hộ gia đình không thể "kham nổi". Ở góc độ DN, trong giai đoạn khó khăn hiện nay thì việc thực hiện dự án mới sẽ khó khăn hơn vì vốn đầu tư cao hơn. Từ đó giá bất động sản, giá thuê đất trong các khu công nghiệp cũng cao hơn. Vấn đề này đã được Hiệp hội Bất động sản TP.HCM phân tích hết sức cụ thể, các chuyên gia cũng khuyến cáo đầy đủ những tác động không mong muốn.

Trước đó, TP cũng có dự thảo đề xuất giảm diện tích hạn mức đất ở tại nhiều quận, huyện với lý do các địa phương này có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhu cầu phát triển nhà ở tương tự quận nội thành song quỹ đất không còn nhiều. Chúng ta đều biết, hạn mức đất ở được công nhận chủ yếu để tính tiền sử dụng đất khi hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất hoặc để tính tiền bồi thường, hỗ trợ về đất ở khi thu hồi đất. Hiểu nôm na thì TP muốn giảm hạn mức đất ở được miễn tiền sử dụng đất. Nghĩa là ngân sách thu được nhiều hơn còn người dân thì phải đóng nhiều hơn.

Có thể thấy, cả hai đề xuất của TP liên quan đến đất đai trong thời gian gần đây đều có xu hướng khiến người dân, DN phải đóng tiền nhiều hơn. Trong khi tiền sử dụng đất lại chiếm cấu phần rất lớn trong bảng kê giá đầu vào để xây dựng giá thành dự án, nếu khoản tiền này tăng cao thì không thể nói đến chuyện kéo giảm giá bất động sản. Thiệt hại cuối cùng sẽ thuộc về người mua và về lâu dài không có lợi cho thị trường và an sinh xã hội.

Ở thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản đang kỳ vọng rất lớn vào 3 luật mới gồm luật Đất đai, luật Kinh doanh bất động sản và luật Nhà có hiệu lực sẽ tháo gỡ những nút thắt, khó khăn trói buộc dự án, trói buộc thanh khoản mấy năm nay. Đó cũng là mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ khi đưa các luật này vào cuộc sống sớm hơn nửa năm. Vì thế, việc cần làm hiện nay của các đơn vị có thẩm quyền liên quan là gấp rút ban hành nghị định hướng dẫn đồng bộ với các luật nói trên, tránh tình trạng luật chờ nghị định mỏi mòn cả năm, thậm chí vài năm như thường thấy. Các địa phương nói chung và TP.HCM nói riêng cũng nên tập trung xây dựng Bảng giá đất lần đầu áp dụng từ ngày 1.1.2026 theo quy định của luật Đất đai 2024 thay vì đề xuất hay ban hành bảng giá đất mới trong khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại, gây áp lực lên người dân, DN và gây xáo trộn thị trường không cần thiết.

Quan trọng hơn là sau gần 5 năm tính từ khi đại dịch Covid-19 ập tới, sức khỏe của người dân và DN vẫn đang trong quá trình phục hồi. Đây là lúc mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực, mọi người cần được hỗ trợ, cần được khoan sức để cùng chung tay góp sức đưa cỗ xe tăng trưởng kinh tế trở lại một cách vững chãi, lâu dài.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.