Cụ thể là tái đàn heo đến cuối tháng 5, tổng đàn heo cả nước đạt 24,9 triệu con, đạt 80% so với thời điểm chưa có dịch tả heo châu Phi.
Thứ hai là tiếp tục cho nhập khẩu thêm nguồn thịt heo đông lạnh và quyết định mới nhất là cho phép nhập khẩu heo sống từ Thái Lan để giết mổ bổ sung nguồn cung thịt cho nhu cầu tiêu dùng.
“Đầu tháng 6 đã có thêm nguồn cung thịt heo tái đàn cộng với việc tiếp tục nhập thịt đông lạnh nên giá heo hơi có phần chững lại, có nơi giảm giá 5.000 - 7.000 đồng/kg. Với tình hình hiện nay tổng đàn heo đang tăng và vẫn tiếp tục nhập thịt đông lạnh thì heo sống nhập khẩu từ Thái Lan về không thể bán giá trên 90.000 đồng/kg được”, ông Tiến khẳng định và đưa ra dự báo đến cuối quý 3 và quý 4, ngành chăn nuôi trong nước cơ bản sẽ cân đối được cung cầu thịt heo tiêu thụ ở thị trường trong nước.
Tuy nhiên, các chuyên gia tỏ ra nghi ngờ với những dự báo của bộ này đưa ra. TS Phùng Đức Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Mê Kông, cho rằng áp dụng giá bằng mệnh lệnh hành chính là sai cơ bản ngay từ đầu của cơ quan quản lý. Kế đó, trong khi giá heo con để tái đàn tăng mạnh, lại đưa ra lệnh heo hơi phải giảm từ 70.000 đồng/kg vào tháng 4 xuống 60.000 đồng vào tháng 6 đã “chặn” đường tái đàn của người dân. Dịch bệnh khiến giá thành nuôi một con heo tăng từ 35.000 lên 53.000 đồng/kg. Theo thông tin trong dân, giá thành nuôi heo hiện nay đã vượt quá con số 60.000 đồng/kg do giá heo giống quá cao, lên đến 3,5 triệu đồng/con.
“Cách điều hành giá thịt heo đã khiến thị trường hoảng loạn. Chính phủ và bộ ngành liên quan không có hệ thống thông tin tốt, thực trạng cung cầu, đặc biệt cung trong ngắn hạn không dự báo được. Điều này do hệ thống thông tin không được minh bạch thu thập tốt từ địa phương, báo cáo không xác thực thậm chí thiếu tính thực tế. Từ những báo cáo không thực tế này, chính sách điều hành đưa ra không có chất lượng là vậy. Quản lý giá thịt heo là đang chạy theo xử lý từng sự vụ mà chủ yếu thông tin đến từ báo chí, không phải thông tin từ cơ sở quản lý”, ông Tùng nhận xét.
Đây cũng là vấn đề chung của nhiều ngành, không riêng câu chuyện chăn nuôi. Đó là khả năng phản ứng luôn bị động, khó đối diện rủi ro. Dịch tả lợn châu Phi đến Trung Quốc, Việt Nam không có báo động, không cấm nhập qua đường biên, để thả rồi dịch lan tràn xảy ra hậu quả nghiêm trọng.
“Theo tôi, cơ quan quản lý không nên đưa ra cố định tháng nào ngày nào giá thịt heo sẽ giảm, điều đó hãy để thị trường tự điều tiết, vấn đề của chuyên môn, hãy bảo đảm dịch bệnh không gây hại cho chăn nuôi, phải có hệ thống theo dõi, giám sát tốt, cập nhật thường xuyên, hằng ngày về sản lượng cung - cầu. Cung mới khó vì chập chờn, chứ cầu tôi nghĩ khá ổn, không có sự đột biến”, TS Phùng Đức Tùng nêu quan điểm.
Bình luận (0)