Giao doanh nghiệp quản lý là không hợp lý
Sáng 6.4, góp ý luật Giá sửa đổi tại Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách, ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đồng ý quy định về quỹ bình ổn giá như một biện pháp bình ổn giá trong dự thảo luật, song đề nghị hạn chế thấp nhất việc vận động doanh nghiệp (DN), người dân góp quỹ. "Quỹ này Nhà nước phải quản lý, có thể lấy từ nguồn ngân sách để khi có đột biến thì dùng quỹ can thiệp thị trường, bình ổn giá cả", ông Hòa đề nghị.
Riêng đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu (hiện là quỹ bình ổn giá duy nhất được lập và hoạt động - PV), ông Hòa cho rằng việc giao quỹ cho DN quản lý là không hợp lý, đề nghị nên giao về Bộ Tài chính. "Tiền này là tiền của dân, DN quản lý có thể dùng số tiền này vào mục đích khác, như vậy không công bằng với người dân tham gia đóng góp vào quỹ này", ông Hòa nêu và cho rằng, về lâu dài để giá xăng dầu "theo kinh tế thị trường" thì không nên duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Do đó, đề nghị Chính phủ cần có lộ trình về việc tồn tại của quỹ này.
Tương tự, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục QH Tạ Văn Hạ cho rằng việc bình ổn giá xăng dầu cần phải được thực hiện bằng các công cụ thuế, phí và dự trữ xăng dầu quốc gia.
Giải trình sau đó, đại diện cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói thời gian qua Quỹ bình ổn giá xăng dầu phát huy hiệu quả và hiện nay vẫn cần thiết để đảm bảo giá xăng dầu ổn định, phục vụ sản xuất, đời sống nhân dân. Ông Phớc cũng cho biết, việc bình ổn giá xăng dầu không chỉ bằng Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Vừa qua, Chính phủ đã trình QH thực hiện bình ổn giá thông qua các công cụ khác như thuế, phí.
Đề nghị quy định cả giá trần và giá sàn vé máy bay
Liên quan đề xuất bỏ giá trần đối với giá dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không (giá vé máy bay) nội địa, ĐB Phạm Văn Hòa đề nghị không chỉ quy định giá trần mà cả giá sàn đối với dịch vụ này. Theo ông Hòa, hiện có tình trạng hãng hàng không đưa ra giá vé máy bay 0 đồng. Điều này dù có lợi cho người dân, song lại tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các hãng hàng không. "Tôi nghe nói có một số nhà đầu tư muốn đầu tư vào hãng hàng không. Nếu chúng ta không quy định được giá trần và giá tối thiểu, như vậy thì mạnh ai nấy làm, tôi nghĩ sẽ không đúng", ông Hòa nêu.
ĐB đoàn Đồng Tháp cũng cho rằng, hãng hàng không kêu lỗ, đòi bỏ quy định về giá trần là không đúng. "Thua lỗ thời gian qua là do dịch Covid-19, không phải do giá trần. Nếu lỗ thì làm gì có việc Bamboo Airways mới hình thành, làm gì có các nhà đầu tư chuẩn bị đi vào để đầu tư hãng hàng không của VN. Tôi nghĩ đây là những vấn đề lợi ích của DN, cho nên không muốn có giá trần", ông Hòa nêu.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến của Bộ GTVT tiếp tục quy định giá trần đối với giá vé máy bay nội địa để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đối với ý kiến quy định giá sàn vé máy bay mà ĐB Hòa nêu, ông Phớc nói "rất hợp lý". Theo đó, cần phải có giá sàn để bảo vệ DN, tránh các hãng hàng không chuyên nghiệp bị đánh bại bởi các hãng hàng không giá rẻ, cạnh tranh không lành mạnh. "Chúng tôi thấy tiếp thu chỗ này cũng là một ý rất hay, tùy Thường vụ QH và QH sẽ quyết định", ông Phớc nói.
"Sửa đổi toàn bộ nội dung" quy định thu hồi đất phát triển kinh tế - xã hội
Cuối chiều 6.4, hội nghị ĐBQH chuyên trách bắt đầu cho ý kiến đối với luật Đất đai sửa đổi. Báo cáo việc tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân và tiếp thu, hoàn thiện dự án luật, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho hay, tới ngày 2.4, đã có hơn 11,6 triệu lượt ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý vào dự thảo luật.
Đối với quy định thu hồi đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng, ông Hà cho biết, tiếp thu các ý kiến góp ý, cơ quan soạn thảo đã "sửa đổi toàn bộ nội dung" của điều 75 tại dự thảo luật theo hướng tiếp tục quy định Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triến KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng. Cùng với đó, dự thảo cũng quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất đối với các loại công trình công cộng; thu hồi đất để xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp; thu hồi đất trong một số trường hợp khác. Tuy vậy, đối chiếu dự thảo luật sau tiếp thu, chỉnh lý, cơ quan soạn thảo vẫn giữ quy định Nhà nước thu hồi đất cho dự án đô thị, nhà ở thương mại vốn nhận được nhiều ý kiến không đồng tình từ cơ quan thẩm tra và các ĐB.
Bình luận (0)