Không nên trồng dừa ở vỉa hè đường phố

28/09/2015 06:40 GMT+7

Bài Có nên trồng dừa ở Sài Gòn? trên Thanh Niên hôm qua 27.9 thu hút sự quan tâm của rất nhiều độc giả và cả các nhà khoa học.

Bài Có nên trồng dừa ở Sài Gòn? trên Thanh Niên hôm qua 27.9 thu hút sự quan tâm của rất nhiều độc giả và cả các nhà khoa học.

Cây dừa thích hợp trồng ven sông, kênh rạch trong đô thị để tạo cảnh quan và cải thiện môi trường - Ảnh: T.LCây dừa thích hợp trồng ven sông, kênh rạch trong đô thị để tạo cảnh quan và cải thiện môi trường - Ảnh: T.L
Thanh Niên giới thiệu bài phân tích của TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - ĐH Cần Thơ.
VN là một trong 10 quốc gia có sản lượng dừa lớn nhất trên thế giới. Theo thống kê của Bộ NN-PTNT năm 2011, diện tích trồng dừa của cả nước khoảng 147.210 ha và phân bố rộng khắp từ bắc vào nam, tập trung nhiều ở các tỉnh ĐBSCL.
Tại VN, trong điều kiện khô hạn, bão tố, đất cát nghèo dinh dưỡng của miền Trung hay lũ lụt, mặn xâm nhập, nhiễm phèn ở ĐBSCL thì cây dừa vẫn tỏ ra thích nghi và phát triển tốt. Kinh nghiệm trên thế giới cũng như ở VN qua nhiều trận mưa bão và lốc xoáy, các vườn dừa đều trụ vững trong khi nhiều cây rừng, cây xanh đô thị và cây ăn trái khác có tỷ lệ đổ ngã rất cao.
Cây dừa còn có vai trò trong việc tham gia hấp thu làm giảm phát thải khí cacbon dioxit (CO­­2) ra khí quyển. Điều này có một ý nghĩa nhất định trong cuộc chiến chống lại các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, tạo cơ sở cho địa phương có kế hoạch tiếp tục duy trì và phát triển các vườn dừa thay vì chuyển đổi sang một loại cây trồng khác.
Theo một nghiên cứu tại Philippines (Severino S. Magat, 2009) đã chứng minh, cây dừa trên 10 năm tuổi có khả năng hấp thu khoảng 24 tấn CO­­2/ha/năm. Một nghiên cứu mới nhất của Đại học Cần Thơ tại huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre (Nguyễn Thị Thanh Trúc và Lê Anh Tuấn, 2015) thì vườn dừa trong độ tuổi từ 4 đến 10 năm có khả năng hấp thu xấp xỉ 25 - 75 tấn CO­­2/ha/năm, cao hơn hẳn ở Philippines, có lẽ do điều kiện thổ nhưỡng và nguồn nước ở Bến Tre tốt hơn ở Philippines chăng? Đây cũng là một tiềm năng để các tỉnh có diện tích dừa lớn thực hiện chứng chỉ carbon theo cơ chế phát triển sạch (CDM).
Có ý kiến đề xuất việc trồng dừa ở TP.HCM để tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường. Dù trên thế giới đã có những thành phố chọn cây dừa để trồng trong đô thị như ở Mỹ, Úc, Philippines, Malaysia, Indonesia..., nhưng với điều kiện đặc thù ở VN cần phải nghiên cứu tính toán cẩn thận để cây dừa vừa có tác dụng cải tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường và an toàn với người dân.
Cây dừa không nên trồng ở các vỉa hè, đường phố có mật độ người và xe cộ đông đúc, chật hẹp vì dừa rụng trái rất dễ gây tai nạn. Tuy nhiên, ở các khu ven đô, khu công nghiệp, các khu nghỉ dưỡng, các tuyến kênh thoát nước, các thành phố vệ tinh mới hình thành thì có thể nghiên cứu thí điểm trồng dừa xen lẫn với các cây xanh khác tạo cảnh quan và trang điểm đường phố.
Ví dụ vùng Thanh Đa, Bình Quới giáp sông Sài Gòn có thể trồng dừa ngăn sạt lở. Các vùng trũng phía nam Sài Gòn thuộc Bình Chánh, Bình Tân hoặc dọc theo một số tuyến kênh mới cải tạo cũng có thể trồng dừa để tăng khả năng hút nước mưa, nước thải tự nhiên. Chung quanh các khu công nghiệp tập trung có thể trồng dừa xen với các cây xanh khác để ngăn tiếng ồn, khói bụi.
TÔI CÓ Ý KIẾN
Tiêu chí cây xanh mà nan giải đến thế à ?
Một thành phố lớn nhất nước như TP.HCM mà đến nay vẫn loay hoay chưa định hình được tiêu chí cây xanh cho đô thị như thế nào thì thật quá chậm trễ. Thực ra, tiêu chí cây xanh cũng khá đơn giản, đó là chọn loại cây gốc rễ phải vững, ít gãy đổ, tỏa bóng mát, có khả năng hấp thụ tốt khí carbonic... và đặc biệt là phù hợp với thổ nhưỡng của từng khu vực... Đọc bài báo, tôi cứ thắc mắc “tiêu chí cây xanh” mà sao nan giải đến thế à?
Nguyễn Hoài Anh
([email protected])
Phải có danh mục cây trồng thích hợp
Nếu quan niệm cây xanh là lá phổi của TP thì nhất thiết phải có một danh mục cây trồng thích hợp. Điều này không có gì khó, nếu có một đề án hẳn hoi, trên cơ sở phân tích các yếu tố phù hợp với đất đô thị. Theo tôi, cây dừa cũng rất đẹp và phù hợp nếu trồng ven kênh rạch, còn nếu trồng ven đường thì không nên, vì sẽ rất nguy hiểm khi có trái rụng. Ngoài ra, cũng không nên đặt vấn đề trồng dừa để thu hoạch, làm kinh tế hoặc phát triển làng nghề...
Lưu Văn Phúc
([email protected])
 
Nguyễn Minh Thùy
Cây xanh trong TP cần phải đa dạng, không nên bó hẹp một loại cây gì, nhưng trồng ở đâu, khu vực nào, loại cây nào thì phải tính toán kỹ. Trồng cây xanh trong TP ngoài yếu tố mỹ quan thì quan trọng nhất vẫn là sự an toàn cho người dân, xin đừng tính đến lợi ích kinh tế ở đây, bởi thực tế không ai trồng cây trong thành phố để thu hoạch cả.
Nguyễn Minh Thùy
(Q.Thủ Đức, TP.HCM)
Phan Văn Hạnh
TP.HCM đã hơn 300 năm tuổi, từ ngày xưa người Pháp đã có quy hoạch trồng cây xanh rất bài bản rồi. Tại sao ta không theo đó làm tiếp mà cứ loay hoay. TP phải có bản đồ quy hoạch trồng cây xanh và đưa ra danh mục các loại cây phải trồng và chỉ được trồng ở các tuyến đường nào... chứ cứ đề xuất, trồng thử nghiệm rồi lại chặt bỏ thì vừa tốn kém, vừa nát hết TP.

Phan Văn Hạnh

(Q.1, TP.HCM)
An Phong - Hải Nam
 (thực hiện)
BAN CTBĐ
 (tổng hợp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.