(TNO) Ngày 20.1, tại TP.HCM, Trường ĐH Luật TP.HCM, TAND TP.HCM và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) lần đầu tiên phối hợp tổ chức tọa đàm về nội dung hủy phán quyết trọng tài thương mại.
Theo GS-TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, hoạt động của trọng tài thương mại đóng vai trò quan trọng trong việc giảm tải gánh nặng giải quyết tranh chấp dân sự cho ngành tòa án. Tuy nhiên, có những tồn tại, hạn chế liên quan đến định chế đặc thù này được nhiều chuyên gia, luật sư đặt ra và đề nghị cần phải khắc phục để hoàn thiện hệ thống tư pháp quốc gia.
Theo luật sư Vũ Ánh Dương, Tổng thư ký VIAC, giai đoạn 2003 - 2014 trên cả nước có 679 phán quyết trọng tài, chủ yếu tập trung tại TP.HCM và Hà Nội, trong đó có 46 trường hợp đương sự có liên quan yêu cầu hủy phán quyết và đã có 19 phán quyết bị tòa án hủy; riêng trong năm 2014 có 5 phán quyết trọng tài bị hủy (bằng số vụ hủy của các năm từ 2011 – 2013).
Liên quan đến vấn đề này, PGS-TS Đỗ Văn Đại, Trưởng khoa Luật dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM cho rằng cần xem lại việc tòa án tuyên hủy phán quyết trọng tài. Thực tế gần đây cho thấy có trường hợp trọng tài xác định có thỏa thuận trọng tài giữa các bên tranh chấp và tiến hành giải quyết tranh chấp trên cơ sở thỏa thuận trọng tài nhưng tòa án lại phủ nhận điều này dẫn đến hủy phán quyết trọng tài khiến cho vụ việc càng thêm phức tạp, kéo dài.
Tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến đồng tình kiến nghị TAND tối cao cần có một bộ phận chuyên trách theo dõi, giám sát để các cấp tòa án không nên tùy tiện hủy phán quyết trọng tài, tránh được tình trạng cùng một vụ việc nhưng cách giải quyết lại khác nhau hoặc thậm chí trái ngược nhau.
Bình luận (0)