Khác với sự khó khăn của luật pháp trong vụ phạt 200.000 đồng cho hành vi sàm sỡ cô gái trong thang máy ở Hà Nội, hay thầy giáo sờ đùi học sinh lớp 5 ở Bắc Giang không có bằng chứng…đoạn video ông cựu Viện phó Viện KSND TP.Đà Nẵng ôm, ghì chặt để hôn và sờ soạng bé gái ở TP.HCM rất rõ ràng về hành vi dâm ô (dùng mọi thủ đoạn để thỏa mãn dục vọng của mình, đụng chạm bộ phận nhạy cảm của nạn nhân…).
tin liên quan
Đà Nẵng chỉ đạo xác minh thông tin cựu viện phó VKS 'dâm ô bé gái'Loại tội phạm này, bộ luật Tố tụng hình sự cũng không quy định phải khởi tố theo yêu cầu người bị hại (do chủ thể chưa đủ 16 tuổi), do vậy bất luận gia đình nạn nhân có đơn yêu cầu khởi tố hay bãi nại, luật pháp vẫn sẽ được thực thi.
Quy định như vậy, nhưng trên thực tế, tỷ lệ truy tố loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em thường không cao, được giải thích là do “chứng cứ yếu”. Điều này có thể đúng, bởi lẽ ngay bản thân pháp luật hiện hành hầu như cũng chỉ chú trọng chế tài đối với hình thức xâm hại nghiêm trọng như hiếp dâm, cưỡng dâm, hành vi dâm ô thường bị bỏ qua. Rồi tâm lý gia đình nạn nhân ngại dư luận, ngại theo đuổi hành trình kiện tụng lâu dài, tốn kém sức lực và tiền bạc; do hiểu biết hạn chế... cũng khiến cho pháp luật của chúng ta thất bại trước hành vi.
Hậu quả của hành vi xâm hại tình dục (dâm ô, cưỡng dâm, hiếp dâm) nói chung không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm mà còn tác động lâu dài đến tâm lý của các em nhỏ. Những vết thương về tinh thần của các em phải mất rất nhiều thời gian mới được chữa lành.
Đó là lý do, hầu hết các quốc gia đều rất mạnh tay áp dụng các biện pháp cực kỳ cứng rắn, xác đáng với loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.
Ví dụ, tại Mỹ, hiện một số bang đã đề xuất nâng mức phạt cho tội phạm tấn công tình dục trẻ em lên mức tử hình.
Mỹ cũng quy định nhiều đạo luật liên quan đến việc lưu lại thông tin, kiểm soát hành vi, công khai danh tính của kẻ phạm tội để các cộng đồng dân cư biết được và đề phòng. Hình thức “thiến hóa học” cũng đang được các nước như Mỹ, Ba Lan, Hàn Quốc, Nga, Anh, Israel, Moldova, Indonesia… sử dụng.
Bên cạnh hình phạt do pháp luật quy định, những kẻ phạm tội lạm dụng tình dục trẻ em còn phải đối mặt với những điều kinh khủng hơn từ xã hội, đó là sự khinh bỉ, trừng phạt theo “luật rừng” của chính những bạn tù hoặc gắn chíp điện tử, vòng đeo để người dân nhận diện tội phạm tấn công tình dục trẻ em khi tiếp xúc…
Mục đích là xã hội không nhân nhượng trong việc bảo vệ trẻ em.
Bình luận (0)