Không nhân nhượng với tội ác

19/11/2019 05:03 GMT+7

Sự việc nhiều bé gái tại Trung tâm hỗ trợ xã hội TP.HCM bị một cán bộ dâm ô gây rúng động và phẫn nộ trong dư luận những ngày qua.

Theo ông Tô Đức, Phó cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB-XH), đây là sự việc chưa từng có tiền lệ xảy tại các trung tâm hỗ trợ trẻ em từ trước đến nay và cơ quan chức năng bất ngờ, chưa lường trước những tình huống như vậy xảy ra trong thực tế.

Thống kê của Bộ LĐ-TB-XH, cả nước có 425 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó có 149 cơ sở chăm sóc trẻ em. Trách nhiệm của các trung tâm là hỗ trợ trẻ lang thang, trẻ bị xâm hại tình dục. Lẽ ra, khi vào các trung tâm này, các em được đảm bảo an toàn; được tham vấn trị liệu khủng hoảng tâm lý và phục hồi thể chất; được học văn hóa, dạy nghề, giáo dục hướng nghiệp; được trang bị các biện pháp phòng ngừa khi vào hoàn cảnh khó khăn và bị xâm hại, bạo lực, ngược đãi... Thế nhưng, chính người mà được gọi là thầy, là cán bộ làm công tác trợ giúp, đã tiếp tay cho những hành vi đồi bại, thiếu đạo đức, vi phạm pháp luật. Từ thực tế trên cũng cho thấy, ý thức bảo vệ trẻ em trước sự xâm hại tình dục trong các trung tâm hỗ trợ xã hội và cộng đồng hiện còn rất hạn chế. Trẻ không biết cách tự bảo vệ bản thân và thường bị động khi bị xâm hại.
Ở nước ngoài, tất cả những người làm công tác xã hội, tiếp xúc với trẻ em đều phải được kiểm tra lý lịch tư pháp và có những nguyên tắc riêng đối với nhân viên tiếp xúc với trẻ. Còn ở VN, vấn đề này từ trước đến nay gần như chưa thực sự được quan tâm, hay nói đúng hơn là buông lỏng. Lãnh đạo Cục Bảo trợ xã hội cho rằng, đây là bài học kinh nghiệm sâu sắc cho tất cả các trung tâm hỗ trợ xã hội. Tới đây, Bộ LĐ-TB-XH sẽ rà soát lại, thực hiện nhiều giải pháp kiểm soát như tăng cường giám sát, lắp camera tại khuôn viên, hành lang; giáo dục nâng cao ý thức đạo đức nghề nghiệp cho những người làm công tác xã hội... Các giải pháp trên đều đúng, nhưng vẫn chỉ là “mất bò mới lo làm chuồng”.
Xâm hại trẻ em là một tội ác. Chúng ta không thể nhân nhượng với những kẻ gây ra tội ác này. Các cơ quan chức năng cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em để làm cơ sở phòng ngừa và xử lý nghiêm minh các vụ bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em. Cần có một quy định riêng và sớm tăng mức hình phạt đối với tội xâm phạm tình dục trẻ em, bởi bảo vệ trẻ em cũng chính là bảo vệ tương lai của mỗi gia đình, mỗi quốc gia. Các cơ quan chức năng tiếp tục truyền thông, cung cấp đầy đủ những thông tin cũng như kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại tình dục từ những người xung quanh. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.