Không nhiều học sinh dự kiến chọn bài thi khoa học xã hội

15/01/2020 08:30 GMT+7

Theo thống kê từ bộ phận học vụ của các trường, hầu như tỷ lệ học sinh dự kiến lựa chọn bài thi khoa học xã hội chiếm không quá 30% tổng số học sinh trong trường.

Dù tháng 4 mới là thời điểm học sinh đăng ký bài thi tự chọn cho kỳ thi THPT quốc gia nhưng ngay sau khi kết thúc học kỳ 1, các trường THPT đã có những khảo sát sơ bộ về lựa chọn này.

Hầu hết học sinh định hướng từ lớp 11

Hiệu trưởng các trường cho hay, hầu như học sinh (HS) đã có những định hướng cơ bản về khối thi, ngành học dự kiến và có sự đầu tư vào môn học từ đầu năm lớp 11 nên thời điểm này kết quả khảo sát gần như đã mang tính xác thực. Đồng thời, việc nắm bắt số liệu lúc này còn nhằm giúp các trường xây dựng kế hoạch củng cố hệ thống kiến thức cho học sinh vào học kỳ 2.
Theo thống kê từ bộ phận học vụ của các trường, hầu như tỷ lệ HS dự kiến lựa chọn bài thi khoa học xã hội chiếm không quá 30% tổng số HS trong trường.
Chẳng hạn ở Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức), trong số 710 HS lớp 12 thì có 186 HS (chiếm 26,1%) chọn bài thi khoa học xã hội, còn số HS lựa chọn bài thi khoa học tự nhiên là 524 (chiếm 73,9%). Ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó nhà trường, cho biết năm nay không có HS chọn 2 bài thi tổ hợp như mọi năm và những HS chọn bài thi xã hội có định hướng xét tuyển vào các ngành có tổ hợp môn thuộc khối D và D1. Sở dĩ tỷ lệ HS chọn bài thi tự nhiên chiếm ưu thế vì có nhiều tổ hợp xét tuyển ĐH từ bài thi này.
Còn tại Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1), trong số 600 HS thì có 510 chọn bài thi tự nhiên, còn lại 90 chọn bài thi xã hội. Ông Nguyễn Hùng Khương, Hiệu phó nhà trường, cho hay trường có 15 lớp 12, trong đó có có 3 lớp HS chọn khối A, 3 lớp chọn khối B, 4 lớp chọn khối A1 và 5 lớp chọn khối D làm tổ hợp môn xét tuyển ĐH.
Tại Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3), có 210 HS chọn bài thi tự nhiên và 150 HS chọn bài thi xã hội. Ông Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay số lượng HS chọn 2 bài thi gần tương đương nhau bởi trường từ nhiều năm nay có nhiều lợi thế và đổi mới trong việc giảng dạy và học tập các môn xã hội như lịch sử, ngữ văn… Do vậy, phần nào giúp HS yêu thích môn xã hội và có định hướng nghề nghiệp ở lĩnh vực này.

Lên kế hoạch ôn tập ngay sau tết

Từ những khảo sát ban đầu, các trường THPT bắt đầu có sự chuẩn bị kiến thức đáp ứng cho HS để tham gia kỳ thi vào tháng 6. Theo chia sẻ của thầy Hà Hữu Thạch, trong học kỳ 2, buổi sáng HS vẫn học tập đảm bảo theo chương trình quy định, buổi chiều nhà trường thực hiện tăng số tiết tối đa 12 tiết/tuần căn cứ theo bài thi tổ hợp mà HS đăng ký. Ngoài ra, mỗi tuần giáo viên sẽ thực hiện 2 bài kiểm tra trong vòng 30 phút nhằm phát hiện những kiến thức HS còn chưa chắc chắn để kịp thời củng cố ngay.
Ông Hà Hữu Thạch cho biết thêm, ngay từ đầu năm học nhà trường đã chỉ đạo các tổ bộ môn chuẩn bị đề cương ôn tập, bộ câu hỏi trắc nghiệm và các chuyên đề ôn tập lồng ghép, tích hợp với các kiến thức của lớp 10, 11. Dự kiến cuối tháng 5, nhà trường tổ chức kỳ thi thử để giúp HS làm quen với hình thức thi.
Ông Phạm Phương Bình cũng cho biết, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Huân chủ động ôn tập lại kiến thức lớp 10 và lớp 11 trong mỗi đơn vị kiến thức của lớp 12 nếu liên quan. Đồng thời, trong quá trình dạy học, giáo viên cung cấp ngân hàng câu hỏi để HS ôn tập.
Đặc biệt, để có sự chuẩn bị tốt nhất cho HS, Ban giám hiệu Trường THPT Nguyễn Hữu Huân khuyến khích và đề nghị giáo viên tăng cường tìm hiểu để hướng dẫn, giới thiệu những nguồn tài liệu ôn tập trực tuyến, hệ thống câu hỏi có định dạng tương tự đề thi THPT quốc gia để HS tham khảo. Bên cạnh đó, giáo viên cần kịp thời giải đáp những vướng mắc về kiến thức cho HS ở bất cứ thời gian nào.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.