Đó là lời nhận định của nhà văn Nguyễn Phi Vân trong buổi nói chuyện cùng người trẻ sáng ngày 6.10. Và câu nói "không phải ai sinh ra cũng là con người" của nhà văn đã khiến nhiều bạn trẻ tự nhìn nhận lại chính bản thân mình.
Sáng cuối tuần, hàng trăm bạn trẻ cùng Bước lên chuyến tàu tìm lại chính mình với nhà văn Nguyễn Phi Vân và đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh, để đi tìm và khẳng định giá trị của bản thân mỗi người.
Buổi nói chuyện về hành trình đi tìm giá trị bản thân với chủ đề “Bước lên chuyến tàu tìm lại chính mình – Tôi đi tìm tôi” được diễn ra tại đường sách Nguyễn Văn Bình (Q. 1, TP.HCM).
Phải sống cuộc đời của chính mình
Khi được hỏi “Đã bao giờ bạn chịu dừng lại và quan tâm tới cảm xúc, tiếng nói của chính mình chưa? Bạn sống vì bản thân mình hay vì một ai khác?”, rất nhiều cánh tay đã giơ lên, thừa nhận đã bỏ mặc cảm xúc của bản thân. Có bạn trẻ lấy tình yêu làm động lực sống, dồn tất cả hạnh phúc, niềm vui của mình vào người yêu để rồi khi chuyện tình tan vỡ, bạn suy sụp đến mức không thể vực dậy.
|
Có những bạn từ tỉnh lên thành phố nhập cư mang theo gánh nặng mưu sinh, luôn phải quay cuồng trong vòng xoay “cơm áo gạo tiền” mà chưa có một ngày hạnh phúc. Thậm chí, có người đã lập gia đình và đang sống cuộc sống khiến nhiều người ghen tị nhưng vẫn cảm thấy gò bó vì không được là chính mình.
Bản thân nhà văn Nguyễn Phi Vân tự nhận mình là người đã từng vấp ngã nhiều lần trên con đường đi tìm giá trị bản thân. Cùng với đó, nhà văn đã chỉ ra có nhiều bạn trẻ đã chuẩn bị sai tâm thế khi sống để thực hiện hóa ước mơ của người khác.
“Bạn không cần đi tìm hạnh phúc, niềm vui ở bất cứ nơi xa xôi nào cả, tài sản quan trọng nhất mà bạn đang sở hữu chính là bản thân. Việc đặt hạnh phúc của mình lên vai người khác và van nài họ rằng tất cả hạnh phúc của tôi đều nằm trên vai bạn, thì thật là ngớ ngẩn. Mỗi chúng ta đều có cuộc đời riêng, bạn không sống cho mình thì ai sống giúp bạn đây? Các bạn bước chân vào tương lai với một tâm thế sai thì cuối cùng bạn cũng sẽ trôi dạt trong chính con đường mình đã hoạch định ra và chẳng thể nào về đích được”, nhà văn chia sẻ.
Dừng lại và suy ngẫm để tìm ra mục đích sống là vô cùng quan trọng vì chỉ khi có mục đích thì con đường bạn đi mới không bị chệch nhịp, sai hướng.
“Đa số chúng ta đang chạy theo những nhu cầu không cần thiết mà đánh rơi những thứ quan trọng của bản thân. Đó là sức khỏe, thời gian. Khi chúng ta giảm hết tất cả những nhu cầu không cần thiết và giấc mơ viển vông thì tự khắc bản thân sẽ thấy hạnh phúc. Với tôi, hạnh phúc không phải là kiếm được nhiều tiền mà là làm được những thứ mà mình thích”, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh tâm sự.
Làm thế nào để tìm được chính mình?
Theo nhà văn Phi Vân, trước hết phải chấp nhận thực tế không có ai là hoàn hảo và phải biết nhận ra sai lầm của bản thân. Nhà văn phân tích: “Trước một sai lầm, hiếm ai có đủ bình tĩnh để phản tư (nhìn nhận, soi rọi bản thân) hay xem xét lỗi là do ai gây ra… Hay khi bị một ai đó đổ lỗi, cho dù bạn có làm sai hay không thì phản ứng của mỗi người sẽ là lao vào cuộc cãi vã để khẳng định bản thân không làm gì sai cả. Theo tôi, thay vì lời qua tiếng lại thì chúng nên dành thời gian để khẳng định giá trị của bản thân. Khi mà bạn xây dựng được giá trị thật sự và được mọi người công nhận thì chắn chắn họ sẽ tin bạn hơn những lời thị phi kia”.
Ai cũng muốn thành công, muốn có thật nhiều tiền, muốn giúp đỡ người khác, nhưng trước khi làm được những ước mơ cao cả đó thì bản thân mỗi người phải xác định được bản thân đang muốn gì, cần gì.
“Chúng ta đang bị dòng đời xô đẩy lên phía trước với tâm thế của một vị anh hùng, chúng ta ép bản thân phải thành công bằng mọi giá. Chúng ta tự đặt ra những thước đo rằng phải nổi tiếng, phải kiếm được chục nghìn đô mỗi tháng mới là thành công. Và cũng không có ai hiểu chúng ta hơn bản thân mình để mà khuyên nhủ dừng lại. Con người không ai là hoàn hảo cả. Không trở thành anh hùng, không giàu có, không nổi tiếng cũng không sao cả. Miễn là bản thân được sống là chính mình”, anh Tuấn Anh chia sẻ.
Con người phải chiến thắng robot
Bên cạnh đó, nhà văn Phi Vân cũng chỉ ra hiện thực đáng buồn là thế hệ trẻ ngày nay đang bị trí thông minh nhân tạo (AI) lấn át khi không biết bản thân thích gì, muốn gì mà chỉ lao đầu vào làm những việc phải làm như một cỗ máy. “Giới trẻ đang sống như một cỗ máy nửa robot nửa người bởi lẽ chúng ta đã quá nương nhờ, phụ thuộc vào điện thoại, máy tính để xử lý những công việc, tính toán cũng cần tới máy tính, báo thức, ghi nhớ cũng nhờ điện thoại” – nhà văn bộc bạch
|
Nhà văn còn cho biết thêm, cỗ máy, robot được lập trình sẵn theo thuật toán nên chỉ thực hiện công việc một cách logic, nhanh gọn nhất. Con người khác AI ở chỗ là có cảm xúc, biết khóc, biết cười và quan trọng là biết đặt câu hỏi tại sao. Điều duy nhất mỗi bạn trẻ cần làm để hội nhập, phát triển trong cuộc sống này là bản thân phải tự nhận định được mình là một con người, sống có mục đích, lý tưởng, có cảm xúc.
“Bởi không phải ai sinh ra cũng đã là con người. Ngày các bạn đi tìm, ngày các bạn biết đặt câu hỏi tại sao chính là ngày chúng ta bắt đầu hành trình đi tìm con người trong chính mình. Tôi cũng đã trải qua cảm giác thừa nhận bản thân sống không phải một con người. Đã từng trăn trở, khóc lóc và tự nhủ với bản thân rằng “Sinh ra trong hình hài của một con người mà không sống đúng nghĩ của một con người vậy có xấu hổ không?”. Còn các bạn thì sao? Nếu bạn không đủ dũng cảm để đối diện, hỏi han, xin lỗi chính mình thì bạn chẳng khác nào cỗ máy cả”, Chị Vân nói.
Bình luận (0)