'Không phải cái gì cũng nói vướng thể chế rồi đòi sửa luật, thí điểm'

19/01/2022 12:41 GMT+7

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, khâu tổ chức thực hiện đang là "điểm nghẽn" của đầu tư công chứ không thể cứ nói do thể chế rồi đòi sửa luật, thí điểm chính sách đặc thù.

Xin vốn một cục rồi mới lập dự án

Sáng 19.1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 7 cho ý kiến tờ trình của Chính phủ về điều chỉnh, dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách T.Ư giai đoạn 2021 - 2025 cho danh mục dự án của các bộ, cơ quan T.Ư và địa phương (đợt 2) và bổ sung kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài từ số vốn chưa phân bổ.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

gia hân

Theo đó, Chính phủ dự kiến sẽ phân bổ hơn 88.099 tỉ đồng cho khoảng hơn 350 dự án (trong đó có hơn 20 dự án mới, chưa báo cáo Quốc hội). Bên cạnh đó, Chính phủ cũng dự kiến bổ sung hơn 8.208 tỉ đồng từ số vốn nước ngoài chưa phân bổ chi tiết cho khoảng 50 dự án của các bộ và địa phương.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công thời gian vừa qua và cho rằng, “điểm nghẽn” nằm ở khâu chuẩn bị đầu tư rất chậm, ảnh hưởng tới việc phân bổ, giải ngân.

“Nhiều dự án đầu tư khi trình Quốc hội thì có danh mục thế thôi chưa có chuẩn bị đầu tư. Ngay cả gói hỗ trợ kinh tế vừa qua cũng thế, Quốc hội không quyết được (vì chưa có danh mục dự án) phải ủy quyền cho Thường vụ Quốc hội”, ông Huệ nêu và cho rằng, đây là căn bệnh rất trầm kha mà tới nay chưa giải quyết được.

“Thế rồi chúng ta lại nói là vướng mắc thể chế, rồi lại đòi sửa luật này luật kia, rồi yêu cầu thí điểm nọ, thí điểm kia. Như thế thì báo cáo đồng chí Lê Minh Khái (Phó thủ tướng Chính phủ dự họp - phóng viên) là hệ thống pháp luật của chúng ta mất tính đồng bộ, ổn định. Phải có thí điểm nhưng không phải cái gì cũng thí điểm; không phải cái gì cũng do thể chế cả mà do cách thức tổ chức thực hiện”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, và cho rằng cần phải cá thể hóa trách nhiệm để giải quyết căn bệnh này.

Cụ thể đối việc phân bổ mà Chính phủ trình, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị báo cáo rõ thêm việc một số dự án đang dở dang nhưng phân bổ thêm vẫn thiếu vốn thì rất khó đạt mục tiêu hoàn thành trong 5 năm.

“Có dự án phân bổ 1 - 2% vốn thôi thì không có ý nghĩa gì cả ngược lại còn làm trầm trọng thêm việc dàn trải, manh mún”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị việc phân bổ vốn phải theo nguyên tắc không dàn trải vì thời gian vừa qua phân bố dàn trải dẫn đến không hiệu quả.

“Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ở các địa phương trong nhiều năm rất thấp. Nhiều nơi không có chủ động kế hoạch, cứ xin vốn về một cục rồi mới lập dự án”, ông Mẫn nêu.

Phó chủ tịch thường trực Quốc hội cũng đề nghị, gắn triển khai kế hoạch đầu tư công 2021 - 2025 với gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế. “Phải làm sao để người dân thấy được hiệu quả của gói tài khóa, tiền tệ như xây dựng cầu đường, công trình phúc lợi công cộng xã hội”, ông Mẫn nhấn mạnh.

Vấn đề hết sức nhức nhối

Giải trình tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quang Phương thừa nhận khâu chuẩn bị đầu tư thời gian qua làm chưa tốt, dẫn đến tình trạng chậm giải ngân và “hứa” Bộ KH-ĐT sẽ đôn đốc và báo cáo Quốc hội thường xuyên.

Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái giải trình tại phiên họp

gia hân

Việc điều hòa nguồn vốn của kế hoạch đầu tư công trung hạn với gói phục hồi phát triển kinh tế, ông Phương cho biết, các dự án nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn có thể sử dụng vốn từ gói phục hồi 2022 - 2023 là những dự án đã đủ thủ tục, nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và sẵn sàng tiêu được tiền. Phần dư địa năm 2024 - 2025 của nguồn vốn đầu tư công trung hạn sẽ được dành cho các dự án của chương trình phục hồi.

Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cũng cho rằng, giải ngân chậm là vấn đề “hết sức nhức nhối” trong đầu tư công, bàn nhiều năm rồi nhưng chưa đẩy nhanh được mà nguyên nhân chủ yếu là do khâu chuẩn bị đầu tư như giải phóng mặt bằng…

Ông Khái cũng cho biết, theo quy định thì khi trình Quốc hội thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn đã phải có đầy đủ dự án, song tới nay phân bổ lần 2 khoảng hơn 88.000 tỉ đồng với hơn 300 dự án.

Theo Phó thủ tướng, thời gian gần đây có cải thiện nhưng vẫn chậm. “Đây là vấn đề Chính phủ nhận thức được. Mong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tạo điều kiện cho Chính phủ. Chúng tôi xin hứa sẽ đẩy nhanh hơn nữa”, ông Khái nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.