Không phải ai đầu tư trái phiếu doanh nghiệp nào cũng vì ham lợi nhuận cao

30/11/2022 11:59 GMT+7

Sáng 30.11, hội thảo “Phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Niềm tin và giải pháp” do Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp tổ chức diễn ra tại TP.HCM.

Theo các chuyên gia, trái phiếu là kênh huy động vốn trung, dài hạn hiệu quả của doanh nghiệp, đồng thời cũng là lựa chọn quen thuộc của nhiều nhà đầu tư nhờ lãi suất hấp dẫn. Tuy vậy, thời gian gần đây nhiều vụ việc sai phạm liên quan đến hoạt động phát hành, sử dụng nguồn vốn trái phiếu ở một số doanh nghiệp đã bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường. Từ đó khiến các nhà đầu tư có xu hướng dè chừng đối với trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).

Hội thảo về thị trường trái phiếu doanh nghiệp sáng 30.11

CTV

Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển, phân tích: Trên thế giới, quỹ mở chiếm 80% giá trị đầu tư chứng khoán với tổng giá trị năm 2020 là 44.000 tỉ USD. Trong đó, đầu tư trái phiếu chiếm khoảng 45%. Tại Việt Nam, quy mô các quỹ mở còn thấp, chỉ chiếm 0,5% GDP trong năm 2022. Giá trị quỹ mở đầu tư ở Việt Nam khoảng 18.717 tỉ đồng so với 1.200 triệu tỉ đồng TPDN đang lưu hành, tương đương khoảng 1,6%.

Các quỹ đầu tư thường chỉ mua TPDN có độ tín nhiệm cao (chỉ số tín nhiệm theo S&P là AAA). Các DN này do có uy tín nên việc phát hành TP có lãi suất thấp hơn lãi vay từ ngân hàng. Một trong những dấu hiệu để nhận định TPDN an toàn là lãi suất không cao quá 30% so với lãi suất cho vay ngân hàng. Thế nên theo TS Đinh Thế Hiển, không phải người mua trái phiếu đều do "ham lợi nhuận cao". Vì thế, ông Hiển cho rằng để phát triển thị trường TPDN bền vững, cần tách trái phiếu ngân hàng và các định chế tài chính với TPDN; hoàn thiện hành lang pháp lý, đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư và hỗ trợ cho các công ty sản xuất kinh doanh đồng thời phát triển các quỹ mở đầu tư trái phiếu.

Chia sẻ thêm, ông Mã Thanh Danh, Chủ tịch Công ty CP Tư vấn Quốc tế (CIB) cho rằng doanh nghiệp phát hành trái phiếu là cần nguồn vốn trung và dài hạn để phát triển. Vì thế thị trường Việt Nam rất cần những ngân hàng đầu tư (Investment Banking) có nguồn vốn lớn cho vay trung và dài hạn. Khi doanh nghiệp gặp khó khăn, họ sẽ đồng hành lâu dài bằng cách chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu. Đồng thời, nếu có một thị trường trái phiếu thứ cấp hoạt động bài bản, thì các trái chủ khi cần bán lại sẽ giao dịch trực tiếp trên thị trường này, giảm bớt áp lực cho doanh nghiệp...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.