'Không quy định cấm không có nghĩa là cổ xúy hát nhép!'

04/01/2021 06:24 GMT+7

Đó là khẳng định của thành viên Ban soạn thảo Nghị định 144/2020/NĐ-CP về những ý kiến trái chiều quanh quy định “bỏ cấm hát nhép ”.

Mới đây, Nghị định (NĐ) 144/2020 quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn vừa được ban hành có nhiều điểm đổi mới, trong đó dư luận đặc biệt quan tâm đến nội dung không cấm hát nhép. So với quy định trước đây tại điều 6 NĐ 79/2012, thì NĐ 144 đã bỏ việc cấm sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ.

Không cổ xúy hát nhép, đàn nhái

Đã nổ ra nhiều tranh cãi về NĐ mới khi trước đây, ca sĩ bị phát hiện hát nhép có thể chịu phạt đến 10 triệu đồng. Nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc Phạm Hải Âu nhận định: “Chuyện hát nhép giết dần các ban nhạc vì khi cho phép hát nhép tức là vô tình tuyên bố không cần nhạc sống”. Còn theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, quy định mới “không tạo điều kiện cho sáng tạo, mà ngược lại chỉ khiến nghệ sĩ dễ dãi hơn với chính mình khi sử dụng công nghệ chỉnh giọng”. Nhạc sĩ Quốc Trung thì cho rằng trong tương lai, liveshow tại Việt Nam có thể phải được khái niệm lại là performance show, tức chỉ cần lên sân khấu diễn mà thôi. Gay gắt nhất là ca sĩ Nguyễn Ngọc Anh cho rằng: “Tôi nghĩ NĐ 144 không còn quy định cấm sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn (hát nhép) hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn (đàn nhái) là một sai lầm… Tôi nghĩ đây là NĐ đánh dấu sự thụt lùi về văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là âm nhạc”.

Hát live mới chạm tới trái tim khán giả. Nghệ sĩ thực thụ lúc nào cũng mong muốn được hát trực tiếp trong tất cả các chương trình lớn, nhỏ

Ca sĩ Tùng Dương
Trao đổi với  Thanh Niên, nhạc sĩ, NSND Nguyễn Quang Vinh - nguyên quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT-DL) - thành viên Ban soạn thảo nghị định, cho rằng nhận định của ca sĩ Nguyễn Ngọc Anh có phần bốc đồng, cảm tính vì: “Trong NĐ 144 vừa được Chính phủ ban hành không có bất kỳ một điều, khoản nào quy định cho phép hát nhép cả. Không thể vì câu chuyện hát nhép mà đánh đồng cho rằng NĐ mới “đánh dấu sự thụt lùi về văn hóa nghệ thuật”. Có lẽ ca sĩ này đã không đọc kỹ các điều, khoản được quy định trong NĐ mới nên mới có đánh giá sai lệch như vậy”. Ông Vinh nói thêm: “Có những quy định thuộc phạm trù đạo đức nghề nghiệp nên không thể đưa tất cả vào trong NĐ. Phải hiểu rằng việc hát nhép, đàn nhái là điều không bao giờ được cổ xúy. Nói cách khác, dù trong NĐ lần này không đưa ra quy định cấm hát nhép, đàn nhái, nhưng đã là ca sĩ, nghệ sĩ thì tự bản thân họ phải ý thức được điều này trước khán giả và công chúng. Cá nhân ca sĩ sẽ phải ý thức rõ nhất về trách nhiệm đối với nghề nghiệp của mình. Không quy định cấm không có nghĩa là cổ xúy! NĐ lần này được thiết kế, xây dựng theo hướng mở, trao trách nhiệm cho đơn vị tổ chức, coi nhu cầu thưởng thức, sự thẩm định của khán giả là phần rất quan trọng”.
Tương tự, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT-DL) Trần Hướng Dương nói: “Không có quy định nào khuyến khích hát nhép, đàn nhái. Tuy nhiên, ở một số chương trình nghệ thuật phải đảm bảo nhiều yếu tố cũng như chất lượng âm thanh, ví dụ như các show truyền hình trực tiếp, trong không gian biểu diễn quá rộng, hệ thống âm thanh, micro chưa đáp ứng được yêu cầu, người dàn dựng bắt buộc phải sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn. Tuy nhiên, đó là với các chương trình quan trọng, còn các show diễn khác nếu điều kiện âm thanh tốt thì các ca sĩ vẫn phải hát live. Khi tham gia biểu diễn, chương trình yêu cầu không hát nhép mà nghệ sĩ vẫn cố tình hát nhép thì chương trình có quyền xử phạt. Tôi nghĩ rằng không có nghệ sĩ nào muốn hát nhép, trừ trường hợp bắt buộc, nên phải tôn trọng nghệ sĩ một cách tối đa. Còn nghệ sĩ nào vẫn cố tình hát nhép thì chắc chắn sẽ bị công chúng tẩy chay, mà không có nghệ sĩ nào muốn công chúng tẩy chay cả”.

Phải minh bạch với khán giả

Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến cho rằng xu hướng hát nhép, hát chồng phù hợp với nhiều loại hình chương trình giải trí thiên về trình diễn và “không đáng bị bài trừ, chỉ trích”. Trên thế giới, các liveshow của nhiều ca sĩ nổi tiếng vẫn hát nhép và ghi rõ điều này trên vé để khán giả tự quyết định có mua hay không. Danh ca Thanh Hà cho biết chị từng xem nhiều liveshow lớn của các ca sĩ quốc tế ở Mỹ và có người nhép xuyên suốt hoặc có bài nhép, bài không. “Khán giả được thông báo trước điều đó và là người quyết định sau cùng rằng họ có muốn xem một ca sĩ hát nhép hay không”, theo nữ danh ca. Ca sĩ Đức Tuấn nói: “Việc bỏ cấm hát nhép là bước đi đúng với xu thế hiện nay. Tôi chưa bao giờ phản đối việc hát nhép, vì đó chỉ là một cách thức biểu diễn trên sân khấu, nếu nó mang lại hiệu quả tốt thì không có lý do gì phải lên án hay cấm đoán”. Đạo diễn sân khấu Trần Vi Mỹ cũng cho rằng những trường hợp bất đắc dĩ như yêu cầu của chương trình phải lipsync (hát nhép) hay chất lượng âm thanh ở buổi diễn không được tốt thì phải có phương án là hát đè lên backing track, hoặc những bài nhạc dance tiết tấu sôi động có thể hát đè lên phần đã thu âm để dùng được những hiệu ứng điện tử mà nếu hát thật thì không làm được.
Hiện tại với sự đa dạng của nhiều loại hình sân khấu cũng như sự phong phú về phong cách trình diễn từ nhiều thế hệ nghệ sĩ thực lực hay ca sĩ giải trí, rõ ràng mỗi nghệ sĩ đều có phân khúc và lượng khán giả riêng, hát nhép hay không là lựa chọn của mỗi người. Tuy nhiên, như ca sĩ Tùng Dương chia sẻ: “ Hát live mới chạm tới trái tim khán giả. Nghệ sĩ thực thụ lúc nào cũng mong muốn được hát trực tiếp trong tất cả các chương trình lớn, nhỏ. Người nghệ sĩ không nên lấy lý do vì NĐ không cấm mà lạm dụng hát nhép, đàn nhái ở tất cả các chương trình, sự kiện. Khán giả bây giờ rất tinh ý, hát nhép hay không, họ nghe là biết. Những người không đủ tài năng, hát giả dối không thể có chỗ đứng và vị trí trong đời sống âm nhạc”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.