Giá trứng đang tăng trở lại
Giai đoạn cuối tháng giêng (khoảng giữa tháng 2.2023), trứng gia cầm giá rẻ được rao bán khá phổ biến trên nhiều tuyến đường ở TP.HCM. Cụ thể, giá trứng gà chỉ 20.000 đồng/chục, trứng vịt 25.000 đồng/chục, thấp hơn khoảng 10.000 đồng/chục so với bình thường. Tại những điểm bán cố định ở các chợ truyền thống, giá trứng gà từ 25.000 - 28.000 đồng/chục, trứng vịt từ 28.000 - 30.000 đồng/chục.
Khảo sát của chúng tôi hôm qua (1.3), giá trứng gà đỏ xuất chuồng bình quân 2.000 đồng/quả, giá trứng gà trắng 1.900 đồng/quả, trứng vịt là 2.200 đồng/quả. Tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM, giá trứng tăng bình quân khoảng 2.000 đồng/chục. Cụ thể, giá trứng gà từ 28.000 - 30.000 đồng/chục, trứng vịt từ 30.000 - 32.000 đồng/chục. Còn tại các siêu thị, giá trứng gia cầm (có khuyến mãi) bình quân từ 28.000 - 39.900 đồng/chục, tùy loại và kích cỡ.
Ông Khoa Phạm, chủ một trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng khá lớn ở Đồng Nai, cho biết trong kỳ nghỉ tết giá trứng giảm 600 đồng/quả, do thị trường tiêu thụ lớn là TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… sức mua giảm vì công nhân nghỉ về quê ăn tết. Hiện tại, người dân từ các địa phương đã quay trở lại làm việc và học tập nên sức tiêu thụ tăng, giá đã phục hồi. Tuy nhiên, mức tăng vẫn còn chưa được như trước, mới khoảng 300 đồng/quả, còn thấp hơn giá trước tết khoảng 300 đồng/quả. Với mức giá hiện tại gần 2.000 đồng/quả, nếu ai chăn nuôi khéo thì mới hòa vốn còn không vẫn lỗ ít.
Ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, một trong những nguồn cung cấp trứng lớn nhất thị trường hiện nay, phân tích thông thường thì sức tiêu thụ sản phẩm trứng gia cầm trong tháng giêng rất chậm. Nguyên nhân vì nhiều người ăn chay và nhiều gia đình đã mua sẵn sản phẩm trứng từ trước tết. Trong khi đó, gà vịt trong chuồng vẫn đẻ đều đều làm nguồn cung dồi dào và giá giảm.
"Để giải quyết bài toán này, chúng tôi đẩy mạnh chế biến nhằm cân đối cung cầu và đa dạng hóa sản phẩm. Thị trường bên ngoài do không thể chế biến nên họ giải quyết hàng tồn bằng cách giảm giá. Tuy nhiên, từ khi bước sang tháng 2 giá trứng đang tăng dần", vị này nói và cho biết, đang theo dõi sát thông tin về tình hình dịch cúm gia cầm ở Campuchia. Các trang trại cung cấp nguyên liệu của công ty cũng tuân thủ nghiêm các quy định về phòng chống dịch, sản xuất an toàn, truy xuất nguồn gốc. Trong khi đó, nhu cầu thị trường cũng đang tốt và không bị ảnh hưởng bởi các thông tin dịch bệnh ở bên kia biên giới. Người tiêu dùng nên ưu tiên sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc để đảm bảo an toàn.
Giá tăng, người nuôi gà vẫn lỗ 3.000 đồng/kg
Giá trứng chưa thể phục hồi cũng tương tự giá gia cầm nói chung. Xung quanh chợ đầu mối Thủ Đức, giá gia cầm làm sẵn khá rẻ với chỉ 55.000 đồng/kg vịt, gà ta 70.000 đồng/con. Các tiểu thương cho biết, đây là gia cầm an toàn dịch bệnh nhập từ các địa phương lân cận như Bình Dương, Đồng Nai. Còn tại các chợ truyền thống khu vực nội thành, gia cầm làm sẵn có giá cao hơn từ 10.000 - 20.000 đồng/kg, tùy loại tùy chợ. Còn tại các hệ thống siêu thị, sản phẩm gà ta làm sẵn đóng gói/khay tùy thương hiệu có giá từ 111.000 - 125.000 đồng/kg; một con gà từ 1,4 - 1,5 kg có giá khoảng 160.000 - 190.000 đồng/kg.
Theo một số hộ chăn nuôi ở Đồng Nai, giá gà lông trắng đầu tháng 2.2023 chỉ từ 22.000 - 24.000 đồng/kg. Đến giữa tháng 2 tiếp tục tăng lên 24.000 - 25.000 đồng/kg và hiện tại khoảng 29.000 đồng/kg. Trong xu hướng tăng giá, gà lông màu khoảng 54.000 đồng/kg, vịt khoảng 39.500 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nói dù giá tăng như người chăn nuôi vẫn đang gánh lỗ. Cụ thể như gà lông trắng, giá xuất chuồng mới tăng lên mức 29.000 đồng/kg nhưng giá thành chăn nuôi tới 32.000 đồng/kg. Công ty vẫn đang lỗ 3.000 đồng/kg gà xuất chuồng. "Giá thức ăn chăn nuôi thời gian qua tăng quá cao trong khi nhu cầu không ổn định. Hiện tại dù người chăn nuôi đang gánh lỗ nhưng chưa dừng ở đó vì giá thức ăn có nguy cơ tiếp tục tăng. Mặt khác, giá các sản phẩm thịt đông lạnh nhập khẩu và phụ phẩm chăn nuôi (heo, gà, trâu, bò) nhập khẩu giá rẻ làm ngành chăn nuôi gia cầm càng thêm khó cạnh tranh", ông Ngọc nói.
Công ty nghiên cứu thị trường IPSOS VN (thuộc một tập đoàn đa quốc gia có trụ sở tại Pháp), mới đưa ra đánh giá về thị trường sản phẩm thịt ở VN. Cụ thể, kể từ khi ký các hiệp định thương mại tự do (FTA), thịt nhập khẩu khi đưa vào thị trường VN sẽ được loại bỏ hoàn toàn thuế quan, điều này đã dẫn đến tình trạng cạnh tranh khốc liệt của thị trường thịt gà trong nước khi giá thịt gà nhập khẩu vẫn luôn duy trì ở mức thấp. Chỉ tính riêng trong năm 2022, VN nhập khẩu khoảng 178.000 tấn thịt gà, trị giá 237 triệu USD. Ở chiều ngược lại thì chỉ xuất được 1.000 tấn với tổng trị giá 2,2 triệu USD. Nếu như với chăn nuôi heo, người chăn nuôi chỉ chịu sức ép giá cả do sự cạnh tranh của các phân khúc chăn nuôi trong nước thì với mặt hàng thịt gà, thị trường chăn nuôi gà ở VN đang chịu cả sức ép khá lớn về giá cả khi cạnh tranh với sản phẩm thịt gà nhập khẩu từ nước ngoài.
TP.HCM: chợ gia cầm sống dừng hoạt động
Ngày 1.3, ghi nhận tại một số chợ truyền thống trên địa bàn TP.HCM, tình trạng buôn bán gia cầm sống và giết mổ tại chỗ gần như không còn. Đáng kể nhất là trên đường Trần Chánh Chiếu (Q.5) trước đây việc buôn bán gia cầm sống rất phổ biến nhưng mấy hôm nay cũng ngưng hoạt động. Một số tiểu thương cho biết, do thông tin tình hình dịch cúm ở Campuchia phức tạp, bên cạnh đó các cơ quan quản lý cũng tăng cường kiểm tra, giám sát, vận động nên bà con ở đây mấy ngày qua ngưng buôn bán gà vịt sống. "Giờ việc vận chuyển gia cầm sống vào thành phố cũng gặp nhiều khó khăn nên muốn bán cũng không có hàng", một tiểu thương ở đây cho biết.
Trước đó, ngày 26.2, UBND TP.HCM chỉ đạo khẩn gửi các sở, ngành và địa phương tăng cường phòng chống bệnh cúm gia cầm A/H5N1 và kiểm soát chặt việc chăn nuôi, kinh doanh, vận chuyển gia cầm vào TP.HCM. Theo ông Lê Việt Bảo, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM, hiện tại đơn vị đang phối hợp tích cực với các ngành, đặc biệt là ngành y tế cơ sở thực hiện nghiêm công tác phòng chống cúm gia cầm trên địa bàn.
Bình luận (0)