Không sử dụng hết biên chế nhưng lại thiếu giáo viên

10/07/2024 07:30 GMT+7

Đó là thực tế về công tác tuyển dụng giáo viên hiện nay của các trường công lập tại TP.HCM. Biên chế được giao không sử dụng hết nhưng giáo viên lại vẫn thiếu.

CHỈ ĐẠT KHOẢNG 50% SO VỚI NHU CẦU

Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, hiện TP chưa sử dụng hết chỉ tiêu so với số biên chế được giao theo quy định trong 2 năm học gần nhất là 2022-2023 và 2023-2024. Cụ thể, tính đến nay số biên chế chưa sử dụng là 8.379 người, trong đó bậc mầm non là 1.192 người; tiểu học là 2.787 người; THCS là 3.184 người; THPT là 938 người; giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên là 154 người; giáo dục chuyên biệt là 84 người, trung cấp 40 người.

Không sử dụng hết biên chế nhưng lại thiếu giáo viên- Ảnh 1.

Công nghệ thông tin, công nghệ, âm nhạc, mỹ thuật, tiếng Anh là những môn học đang còn thiếu nhiều giáo viên

ĐÀO NGỌC THẠCH

Ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay lý do không sử dụng được hết biên chế là không tuyển dụng được giáo viên (GV) phù hợp. Mặc dù nhu cầu về nhân lực rất cấp thiết nhưng các trường học vẫn không thể tuyển đủ số lượng cần thiết do một số vị trí không có ứng viên đăng ký tuyển dụng.

Mỗi năm, trung bình TP.HCM cần tuyển thêm khoảng 5.000 GV cho các bậc học từ mầm non cho đến THPT nhưng số GV trúng tuyển chỉ đạt khoảng 50% so với nhu cầu, thậm chí có môn học rơi vào tình trạng không có ứng viên. Nhiều vị trí việc làm các quận, huyện đều đăng ký nhu cầu tuyển dụng nhưng không có ứng viên đăng ký như GV công nghệ thông tin, công nghệ, âm nhạc, mỹ thuật, tiếng Anh.

Theo ông Hồ Tấn Minh, những năm qua, do áp lực về cải cách chương trình giáo dục, việc nâng cao trình độ, năng lực của nhân sự công tác trong ngành giáo dục đòi hỏi ngày càng cao nên có nhiều áp lực đối với GV. Số lượng, chất lượng GV được đào tạo từ các cơ sở giáo dục hiện cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của sự gia tăng học sinh và trường, lớp hiện nay, nhất là GV dạy âm nhạc, mỹ thuật, tin học.

Đồng thời, mức lương hiện nay chưa đủ sức thu hút và cạnh tranh so với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, nhất là lực lượng GV tiếng Anh nên các cơ sở giáo dục công lập cũng gặp khó khăn trong quá trình tuyển dụng và giữ chân đội ngũ GV này.

VƯỚNG MẮC NHIỀU VỊ TRÍ VIỆC LÀM

Ngoài ra, hiệu trưởng một trường THPT cho biết, tại Công văn số 7583/BNV-TCBC ngày 23.12.2023 của Bộ Nội vụ về hướng dẫn một số nội dung vướng mắc trong việc xây dựng Đề án và phê duyệt vị trí việc làm, trong đó hướng dẫn xác định vị trí việc làm y tế học đường thuộc nhóm vị trí việc làm chuyên môn dùng chung. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ chưa hướng dẫn định mức số lượng người làm việc tại vị trí này nên khó khăn cho các đơn vị sự nghiệp giáo dục trong việc xác định số lượng cũng như hạng chức danh nghề nghiệp đối với vị trí việc làm y tế học đường. Từ đó dẫn đến khó khăn trong việc phân bổ biên chế và sắp xếp theo vị trí việc làm đối với nhân sự đang là viên chức vị trí việc làm y tế học đường.

Theo quy định tại Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT 30.10.2023 của Bộ GD-ĐT, các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập không còn quy định vị trí việc làm công nghệ thông tin. Điều này gây nhiều khó khăn cho đơn vị trong việc sắp xếp, bố trí vị trí việc làm phù hợp cho viên chức đang giữ chức danh nghề nghiệp về công nghệ thông tin, cũng như phân bổ số lượng người làm việc liên quan đến chức danh này.

Chính phủ và UBND TP đang đẩy mạnh hiện đại hóa nền hành chính, số hóa, chuyển đổi số tại các tổ chức hành chính và các đơn vị sự nghiệp công lập. Do đó, lãnh đạo các trường cho rằng cần thiết giữ lại vị trí việc làm công nghệ thông tin để đảm bảo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động cung cấp dịch vụ công thiết yếu của đơn vị sự nghiệp lĩnh vực giáo dục.

Không sử dụng hết biên chế nhưng lại thiếu giáo viên- Ảnh 2.

Số lượng, chất lượng GV được đào tạo từ các cơ sở giáo dục hiện cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của sự gia tăng học sinh và trường, lớp hiện nay, nhất là GV dạy âm nhạc, mỹ thuật, tin học.

ẢNH MINH HỌA: ĐÀO NGỌC THẠCH

NHỮNG KIẾN NGHỊ CỦA TP.HCM CHO NĂM HỌC MỚI

Từ những phân tích và đánh giá nói trên, chuẩn bị cho năm học mới, với nhu cầu về đội ngũ GV, trước chủ trương tinh giản biên chế của Bộ Chính trị và mục tiêu của ngành, đại diện Sở

GD-ĐT TP.HCM cho biết UBND đã có kiến nghị Bộ Nội vụ xem xét, phối hợp với Ban Tổ chức T.Ư quan tâm, bổ sung biên chế GV trên cơ sở quy định về định mức, đảm bảo nguồn nhân lực, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục hoạt động có hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu học tập của trẻ em.

Đồng thời, UBND TP cũng kiến nghị Bộ Nội vụ sớm có hướng dẫn thống nhất về vị trí việc làm "Y tế học đường", "Công nghệ thông tin" và phối hợp với Bộ GD-ĐT bổ sung vị trí việc làm "Công nghệ thông tin" vào danh mục vị trí việc làm chuyên môn dùng chung để đảm bảo thực hiện hiệu quả chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan, đơn vị ngành GD-ĐT, tạo điều kiện để đội ngũ viên chức yên tâm công tác và phát triển chuyên môn, nghiệp vụ.

TP.HCM có 70.819 người trong ngành giáo dục

Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, tính đến ngày 31.5, tổng số viên chức, lao động hợp đồng trong ngành giáo dục là 70.819 người. Trong đó, viên chức quản lý: 3.429 người, riêng bậc mầm non là 1.045 người; tiểu học là 1.196 người; THCS là 740 người; THPT là 336 người; giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên là 62 người; giáo dục chuyên biệt là 31 người, trung cấp là 19 người.

Trong đó vị trí GV có 56.655 người; bậc mầm non là 9.435 người; tiểu học là 19.655 người; THCS là 17.784 người; THPT là 8.827 người; giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên là 591 người; giáo dục chuyên biệt là 197 người, trung cấp là 166 người.

TP.HCM mở rộng phân cấp tuyển dụng giáo viên cho các trường THPT

Từ năm học 2024-2025, Sở GD-ĐT TP.HCM mở rộng phân cấp tuyển dụng GV cho 9 trường THPT ở khu vực các huyện Củ Chi, Bình Chánh và TP.Thủ Đức.

9 trường được Sở GD-ĐT TP mở rộng phân cấp tuyển dụng GV bao gồm: THPT Năng khiếu TDTT Bình Chánh (H.Bình Chánh); Nguyễn Văn Tăng

(TP.Thủ Đức) và 7 trường THPT trên địa bàn H.Củ Chi là THPT An Nhơn Tây, Củ Chi, Quang Trung, Trung Lập, Trung Phú, Phú Hòa, Tân Thông Hội.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay 9 trường nói trên đều nằm ở khu vực ngoại thành, hằng năm công tác tuyển dụng gặp một số khó khăn khi ứng viên dù trúng tuyển nhưng có thể vì xa xôi mà không nhận nhiệm sở hoặc dù nhận nhiệm sở nhưng không gắn bó lâu dài với trường vì điều kiện đi lại khó khăn. Do vậy khi được trao quyền phân cấp tuyển dụng sẽ giúp nhà trường thuận lợi hơn trong việc tuyển dụng, đảm bảo chọn được những ứng viên phù hợp, có mong muốn gắn bó lâu dài với trường. Từ đó giúp trường chủ động trong thực hiện các kế hoạch, chương trình giáo dục khi thực hiện Chương trình GDPT 2018, hướng tới nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.

Người phụ trách công tác cán bộ của Sở GD-ĐT nói thêm, trước đó, năm học 2022-2023, Sở GD-ĐT TP.HCM cũng đã mở rộng phân cấp tuyển dụng cho 4 trường THPT tại H.Cần Giờ là Thạnh An, An Nghĩa, Cần Thạnh, Bình Khánh. Thực tế cho thấy khi được chủ động, các trường đã thuận lợi hơn rất nhiều trong tuyển dụng, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục của đơn vị. Tuy nhiên, để đảm bảo việc tuyển dụng "đều tay" giữa các trường cũng như đảm bảo chất lượng, Sở GD-ĐT vẫn có sự giám sát sao cho việc phân cấp đạt hiệu quả tối ưu.

Như vậy, tính đến nay TP.HCM có 20 trường được Sở GD-ĐT TP.HCM phân cấp tuyển dụng GV. Đó là các trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, chuyên Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Du, Lê Quý Đôn, Nguyễn Hiền, Thạnh An, Cần Thạnh, An Nghĩa, Bình Khánh, An Nhơn Tây, Phú Hòa, Trung Lập, Củ Chi, Quang Trung, Tân Thông Hội; Trung Phú, Nguyễn Văn Tăng, Năng khiếu TDTT Bình Chánh; Trường mầm non 19.5 Thành phố và Trường mầm non Thành phố.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.