Trả lời báo chí về giáo dục đại học, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, trong tình hình kinh tế có nhiều khó khăn, Chính phủ đặt mục tiêu rất rõ là cần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân. Việc không tăng lệ phí, học phí cũng là thực hiện theo chủ trương này của Chính phủ, hỗ trợ người dân.
Tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi về học phí để sớm trình Chính phủ.
Ông Sơn đánh giá, không tăng học phí giáo dục đại học sẽ là thách thức rất lớn cho ngành giáo dục để thực hiện tốt nhiệm vụ này. Tổng thể, về tài chính giáo dục nói chung, tài chính đại học nói riêng thì học phí không phải là nguồn duy nhất. Nhưng với giáo dục đại học hiện nay, học phí chiếm phần rất lớn trong chi phí tài chính, chiếm khoảng 80 - 90%.
Theo ông Sơn, vấn đề học phí được giữ nguyên hay điều chỉnh, chắc chắn Bộ GD-ĐT mong muốn, nếu không tăng được thì ít nhất cũng cần giữ ổn định. Vai trò của Nhà nước trong vấn đề này rất quan trọng.
Hoạt động giáo dục đại học ở nước ta dựa vào 3 cơ chế chính: cơ chế tài chính cho các cơ sở giáo dục đại học; chính sách học phí; chính sách hỗ trợ đại học.
"Các vấn đề này hiện được cụ thể trong Nghị định 60 về cơ chế tài chính cho các cơ sở ngoài công lập và Nghị định 81 về học phí đại học. Đây được ví như là 2 bánh xe để các cơ sở giáo dục đại học vận hành. Nghị định 60 thì quy định về quy trình, lộ trình tính giá dịch vụ, trong đó có học phí, giảm chi phí trực tiếp từ ngân sách nhà nước, được thực hiện từ năm 2021. Nghị định 81 về học phí được ban hành từ năm 2021, nhưng đến nay chưa thực hiện được theo lộ trình đề ra", ông Sơn nói.
Nhấn mạnh việc thực hiện đảm bảo duy trì chất lượng giáo dục đại học là thách thức lớn, nhất là trong những vấn đề giữ vững đội ngũ giảng viên, chi cho cơ sở vật chất, công tác phục vụ…, song lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng khẳng định: "Bộ GD-ĐT sẽ rất nỗ lực, đồng thời đề nghị các bộ, ngành khác, địa phương cùng quan tâm phối hợp".
Bộ GD-ĐT đề nghị Chính phủ chưa thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ, giảm chi ngân sách nhà nước trong Nghị định 60 để không giảm chi thường xuyên cho các trường đại học, nhất là các trường đại học công lập; có chính sách hỗ trợ các trường đại học, nhất là trong bối cảnh các trường không được tăng học phí.
Bình luận (0)