Đó là ý kiến kết luận của ông Nguyễn Văn Tiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội trong buổi làm việc với Cục Quản lý dược, Bộ Y tế và các Sở Y tế, cơ sở y tế, công ty dược ở phía nam về vấn đề quản lý giá thuốc diễn ra chiều nay (20.4) tại TP.HCM.
Hiện nay, giá thuốc ở Việt Nam hoàn toàn do các đơn vị sản xuất, kinh doanh tự quyết định và kê khai với cơ quan quản lý. Nhà nước không quy định hay duyệt giá thuốc. Riêng các cơ sở bán buôn, bán lẻ thuốc phải niêm yết giá bán thuốc tại nơi kinh doanh.
Theo ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược, việc quản lý giá thuốc như trên nhằm tạo sự công khai, minh bạch và có sự cạnh tranh về giá thuốc trên thị trường. Không thể sử dụng các biện pháp hành chính để buộc giá thuốc đứng yên, mà phải đảm bảo sự bình ổn chung của thị trường dược phẩm, đảm bảo đủ thuốc, không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến hay tăng giá thuốc đồng loạt trên thị trường.
Trong cuộc họp, các bệnh viện và các Sở Y tế đều đề xuất Cục Quản lý dược tổ chức đấu thầu quốc gia đối với thuốc sử dụng số lượng lớn trong bệnh viện, một loại thuốc chọn 4 - 5 nhà cung cấp và có danh mục niêm yết giá, in giá bán lẻ trên bao bì thuốc, công khai giá bán thuốc trong quyết định cho lưu hành thuốc. Như thế sẽ có mức giá chung với từng loại thuốc, tránh tình trạng như hiện nay, cùng một loại thuốc, một nhà sản xuất, một nguồn gốc xuất xứ mà mỗi nơi mỗi giá.
Ngoài thuốc được kê toa sử dụng trong bệnh viện, thuốc không kê toa là thị trường Cục Quản lý dược cần nghiên cứu, bình ổn giá. Vì đây là thị trường phục vụ nhu cầu lớn của người dân và dễ có nhiều biến động, ảnh hưởng lớn đến người dân cũng như dư luận xã hội.
Ngành y tế cũng khuyến khích dùng thuốc nội và định hướng các công ty dược Việt Nam đi vào sản xuất thuốc đặc trị. Chất lượng những loại thuốc Việt Nam đã sản xuất được và được quyền sản xuất tương đương với thuốc nhập và giá rẻ hơn rất nhiều.
Thị trường dược phẩm Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào nhà cung cấp nước ngoài khi 90% nguyên liệu sản xuất thuốc và trên 50% thuốc sử dụng phải nhập khẩu.
Nguyên Mi
Bình luận (0)