Không thể bắt dân gánh chi phí vô lý trong giá điện

22/05/2016 09:26 GMT+7

Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc sau khi Thanh Niên ngày 21.5 đăng bài Giá điện “cõng” cả chi phí hiếu, hỷ, nghỉ mát.

Có lợi ích nhóm ?
Từ xưa đến nay ngành điện chỉ có tăng chứ không giảm giá bao giờ. Người dân đang yêu cầu cần phải công khai, minh bạch giá điện nhưng vẫn chưa được đáp ứng thì nay lại đưa các chi phí này vào giá thành càng làm cho giá điện thiếu minh bạch hơn. Rồi đây, chi phí sản xuất của các ngành nghề khác cũng sẽ bị đẩy lên cao, dẫn đến sản xuất bị ảnh hưởng, người dân chịu thiệt. Nếu quy định này được thông qua thì sẽ thành tiền lệ xấu, rồi doanh nghiệp (DN) nào cũng làm theo thì người tiêu dùng chịu sao xiết? Các cơ quan chức năng cần phải xem xét làm rõ xem có lợi ích nhóm nào ở đây không mà lại đưa ra quy định như vậy?
Lê Việt Thông
([email protected])
Vô lý
Thật vô lý quá sức tưởng tượng. Hiếu, hỷ, du lịch, nghỉ mát, đi lại dịp lễ tết... mà cũng đưa vào chi phí sản xuất để tính vào giá thành thì không thể hiểu nổi. Chi phí hiếu, hỷ, đi lại lễ tết… là những chi phí riêng tư của cá nhân, không liên quan gì đến việc sản xuất kinh doanh cả, nhưng sao lại đưa vào chi phí sản xuất. Nếu các ngành khác như nước, xăng dầu... đều làm như vậy thì đất nước này làm sao phát triển nổi, người dân đã nghèo lại càng nghèo còn nhóm lợi ích nào đó thì giàu lên. Nếu không có sự tách bạch rõ ràng thì DN lợi dụng, tiêu cực, tham nhũng từ quy định này sẽ tăng lên.
Đinh Thuần
([email protected])
Trái luật
Quy định này không phù hợp với pháp luật. Luật DN đã quy định các quỹ phúc lợi của DN phải được trích từ lợi nhuận sau thuế. Nếu các khoản này lại được cho phép tính vào chi phí sản xuất thì rõ ràng là trái luật. Nếu DN kinh doanh tốt, lợi nhuận sau thuế cao thì quỹ phúc lợi cũng sẽ cao, ngược lại nếu kinh doanh lỗ thì quỹ phúc lợi cũng bị giảm, từ đó kích thích DN làm ăn kinh doanh hiệu quả hơn. Nếu theo quy định này cho phép đưa vào chi phí sản xuất thì dù có làm ăn lỗ, DN vẫn ung dung được hưởng lợi từ quỹ phúc lợi và chắc chắn sẽ bị lạm dụng.
Trần Văn Minh
(Q.Phú Nhuận, TP.HCM)
Cần minh bạch
Một DN nhà nước lớn, nắm giữ thị trường của toàn bộ đất nước nhưng lại không minh bạch thì làm sao người dân chấp nhận được. Chuyện hiếu, hỷ, nghỉ mát, đi chơi lễ tết là chuyện riêng của cá nhân, làm sao có thể dùng tiền của nhân dân để chi sai mục đích như vậy. Đây là vấn đề tài chính, là tiền của toàn dân thì cần phải minh bạch, dù một đồng cũng không được nhập nhằng. Nếu pháp luật thiếu minh bạch thì chỉ tạo cơ hội cho tham nhũng mà thôi.
Trần Ba
([email protected])
Không thể chấp nhận
Việc hiếu, hỷ, hỗ trợ tiền đi lại lễ tết cho người lao động, quan tâm đến người lao động là việc tốt. Tuy nhiên, đã là tài chính thì phải rõ ràng, đúng pháp luật, không được nhập nhằng để tránh bị lợi dụng. Tôi thấy các DN đều có quỹ phúc lợi, quỹ công đoàn để lo việc này rồi vậy tại sao lại đưa vào chi phí sản xuất nữa. Giá điện hiện nay đã rất cao, người dân không thể chấp nhận gánh thêm những chi phí mà chỉ để phục vụ lợi ích cho những cá nhân một cách vô lý như vậy.
Nguyễn Thành Thái
(Q.10, TP.HCM)
Nguyễn Văn Cường
Việc EVN đưa chi phí hiếu, hỷ, đi lại lễ tết, nghỉ mát, đào tạo... vào chi phí sản xuất được xem là khó có thể chấp nhận được. Những chi phí này chỉ nên được trích từ lợi nhuận sau thuế của DN mà thôi. Nếu đưa vào chi phí sản xuất thì chắc chắn giá thành sẽ bị đẩy lên và người dân sẽ phải gánh chịu.
Nguyễn Văn Cường
(H.Củ Chi, TP.HCM)
Nguyễn Thị Oanh
Nếu quy định này được thông qua thì không ai dám bảo đảm nó sẽ không bị lợi dụng và sẽ không phát sinh tiêu cực. Pháp luật phải công bằng và minh bạch, không thể chấp nhận có chuyện ưu tiên cho một DN nào. Quy định này chẳng những không phù hợp với pháp luật hiện hành mà còn có thể sẽ trở thành tiền lệ xấu.
Nguyễn Thị Oanh
(Q.Tân Bình, TP.HCM)
An Phong - Hải Nam
 (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.